Ngày Chiến thắng - Mốc son chói ngời trong lịch sử nhân loại
Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ chiến thắng trên Tòa nhà Quốc hội Đức ở Béc-lin (tháng 5-1945).

“Ngày Chiến thắng” (9-5-1945) là một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất đã được ghi vào lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX. Trong bản hùng ca bất diệt ấy có sự đóng góp, hy sinh xương máu vô cùng to lớn, quyết định của quân dân Liên Xô, với khoảng 27 triệu người đã ngã xuống, 30 triệu người bị thương, hàng nghìn thành phố, thị trấn và làng mạc bị phá hủy...

Chiến tranh thế giới thứ hai bắt nguồn từ những mâu thuẫn không thể giải quyết được giữa các nước đế quốc. Các nước đế quốc trẻ: Đức - Nhật Bản - Ý, do thất thế về thuộc địa và thị trường đã hình thành liên minh “phe trục”, xây dựng quân đội mỗi nước thành những “cỗ máy xâm lược” để phát động chiến tranh chia lại thế giới. Ngày 1-9-1939, Đức tấn công Ba Lan, cuộc chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ.

Lúc đầu cuộc chiến tranh diễn ra giữa hai tập đoàn đế quốc: Phát xít Đức - Ý - Nhật và Anh - Pháp - Mỹ nhằm giành giật thị trường, nguồn nguyên liệu và chia lại thế giới. Hơn 1 năm sau khi thôn tính Ba Lan, Đức đã thống trị hầu như toàn bộ châu Âu tư bản chủ nghĩa. Đại bộ phận giai cấp tư bản cầm quyền của các nước châu Âu đã nhanh chóng đầu hàng, biến thành tay sai cho phát xít Hít-le chống lại tổ quốc mình. Lúc này, chỉ còn duy nhất nước Anh vẫn kiên cường chống lại các cuộc không kích của Đức phát xít.

Gần như đã làm chủ hoàn toàn châu Âu, Đức tuyên bố cắt đứt thỏa thuận không xâm lược với Liên Xô và ngay lập tức thi hành chiến dịch tấn công khổng lồ với 3 triệu quân hòng chiếm đóng Thủ đô Mát-xcơ-va. Năm 1941, Đức đơn phương hủy bỏ Hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức, mở các cuộc tiến công Liên Xô, đến đây cuộc chiến tranh đã thay đổi tính chất. Đây là cuộc chiến tranh giữa quân Đồng Minh (Liên Xô làm trụ cột) với tập đoàn phát xít. Riêng đối với đất nước Liên Xô đây còn là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Sau 2 năm, từ 1941 đến 1943, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, quân và dân Liên Xô nổi dậy chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tiêu diệt hàng chục sư đoàn và lữ đoàn phát xít Đức.

Giành thế chủ động, năm 1943, Hồng quân Liên Xô chuyển sang chiến lược phản công liên tiếp, giải phóng Tổ quốc và giúp các nước Nam Tư, An-ba-ni, Ba Lan, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri và Tiệp Khắc lần lượt giải phóng, tiếp tục tấn công vào quân Đức trên mặt trận phía Đông. Đồng thời, quân đội Anh, Mỹ đã mở mặt trận Tây Âu. Với sự giúp đỡ to lớn của lực lượng các nước Đồng Minh, nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Lúc- xăm-bua và I-ta-li-a lần lượt được giải phóng.

Ngày 30-4-1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã phấp phới bay trên tòa nhà Quốc hội Đức. Ngày 9-5-1945, theo giờ Mát-xcơ-va, phát xít Đức đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện.

Không chỉ đóng vai trò quyết định thắng lợi ở mặt trận châu Âu, đánh bại phát xít Đức mà Liên Xô còn có vị trí không thể thiếu trong cuộc tuyên chiến với phát xít Nhật và đã đánh tan đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật ở châu Á, buộc Nhật phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện, kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, đưa lịch sử nhân loại sang trang mới. Hồng quân Liên Xô đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc, cứu nhân loại thoát khỏi sự diệt chủng và góp phần quan trọng trong việc khôi phục nền văn minh châu Âu và thế giới.

Hòa cùng chiến thắng chung của thế giới, ở châu Á, dân tộc Việt Nam, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm chắc thời cơ cách mạng và chớp thời cơ từ chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, tiến hành Hội nghị toàn quốc của Đảng, họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 16-8-1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội Quốc dân được triệu tập đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thời cơ “ngàn năm có một” đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa đến quốc dân đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm. Tiến lên!”.

Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào cả nước, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã nhất tề vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 19-8-1945, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và ngàn năm của phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một chặng đường lịch sử mới đầy tự hào và vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam góp một phần không nhỏ cùng nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống phát xít vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất