Thế giới với những chuyển động lớn và đối sách của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) tại Hà Nội, ngày 30-6-2019.

Năm xu thế chính

Căng thẳng Mỹ - Trung lên nấc thang mới

Nếu trước kia, quan hệ Mỹ - Trung được đan xen bởi hai yếu tố hợp tác và cạnh tranh (theo bảng xếp hạng 5 mức độ quan hệ: hợp tác; hợp tác và cạnh tranh; hợp tác ít hơn, cạnh tranh nhiều hơn; đối thủ; kẻ thù), thì ngày nay, mặt cạnh tranh ngày càng trở nên sâu rộng hơn. Xét tính chất và quy mô, cạnh tranh giữa hai bên đã đạt đến tầng nấc thứ 4 - đối thủ.

Một mặt, hai siêu cường đã không còn xem nhau là đối tác như thời chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma. Mặt khác, thuật ngữ “đối thủ” có thể được ngầm hiểu, mặc dù sự cạnh tranh ở thời điểm hiện tại vượt xa hợp tác song phương, song khả năng thỏa hiệp, nhân nhượng không hoàn toàn bị loại trừ. Lý do hợp tác Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục, đó là bởi lợi ích chung phát sinh từ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và các mối đe dọa xuyên biên giới như: khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và an ninh mạng. Nhìn chung, cạnh tranh chiến lược Oa-sinh-tơn - Bắc Kinh đã tác động đáng kể tới cục diện khu vực và quá trình xây dựng chiến lược an ninh quốc gia của các nước.

Toàn cầu hóa chậm lại

Toàn cầu hóa, xu thế lớn, từng được coi là tất yếu và không thể đảo ngược của hệ thống quốc tế đã gặp phải những nghi vấn và có bước lùi trong năm qua. Trong bối cảnh thương mại tự do - nét đặc trưng của toàn cầu hóa, không còn được coi là điều hiển nhiên, ngày càng nhiều câu hỏi được đặt ra về năng lực hình thành các thỏa thuận mới cùng khả năng quản lý và giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn nhận được không ít kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Sự hoài nghi về trật tự thương mại công bằng đang dần hiển hiện trong bối cảnh các phong trào chống toàn cầu hóa đang gia tăng, xuất phát từ sự chênh lệch thu nhập, bất công bằng xã hội và tư tưởng dân tộc. Mặc dù một số khía cạnh của toàn cầu hóa như in-tơ-nét và khả năng di động của con người vẫn còn đó, nhưng giờ đây, “bức tường lửa kỹ thuật số” và “bức tường thép” khổng lồ đã và đang lần lượt được xây dựng ở Trung Quốc và Mỹ.

Tinh thần đa phương gặp những rào cản lớn

Một con đường dẫn đến dân chủ hóa là chủ nghĩa đa phương. Mặc dù tinh thần của chủ nghĩa đa phương vẫn tiếp tục, nhưng một số thể chế đa phương đã và đang bị thách thức, không còn hoạt động hiệu quả như trước. Mặc dù đều coi trọng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, song Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, hay Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang đặt ra nhiều câu hỏi cho việc duy trì và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. Cùng với đó là xu hướng ưu thích chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa đơn phương của các cường quốc. Ví dụ cho xu thế này là việc Mỹ rút khỏi các cam kết đa phương như UNESCO và INF, hay Trung Quốc tiếp tục chối bỏ các phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực trong vụ kiện của Phi-li-pin năm 2016.

Kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 lên ngôi

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa khắp các châu lục với những thực thể mới như: In-tơ-nét vạn vật, blockchain, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Giống như hầu hết các cuộc cách mạng trong lịch sử, cuộc cách mạng lần này cũng tác động đến mọi ngõ ngách của hành tinh. Chỉ trong vòng 2 năm qua, lượng thông tin và dữ liệu được tạo ra bằng với quá trình tích trữ của toàn bộ lịch sử loài người trước đó. Một vấn đề nghiêm trọng khác nổi lên từ cuộc cách mạng này là sự phân chia kỹ thuật số. Nếu trước kia, khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia là chủ đề được đề cập chủ yếu, thì giờ đây, sự phân chia này lại nằm trong phạm vi bức màn công nghệ có khả năng phân ly các quốc gia thành các hệ sinh thái công nghệ khác nhau. Điều đó thể hiện rõ trong vụ việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên một số công ty công nghệ của Trung Quốc như: ZTE, Huawei.

Các thách thức an ninh ngày càng phức tạp

Những thách thức an ninh đương đại truyền thống và phi truyền thống hiện nay đòi hỏi các quốc gia đầu tư nhiều nguồn lực hơn để giải quyết. Sẽ không có giải pháp lâu dài nào cho những điểm nóng an ninh khu vực như Bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông, tranh chấp biên giới Ấn Độ - Trung Quốc và quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan nếu không có sự nỗ lực từ nhiều phía. Bên cạnh đó, tội phạm mạng - đối tượng gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm, an ninh nguồn nước trong lưu vực sông Mê Kông ảnh hưởng không nhỏ tới các quốc gia hạ nguồn như Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng với biến đổi khí hậu là những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với khu vực. Năm 2019 cũng đi vào lịch sử với việc nhiều quốc gia xảy ra tình trạng bất ổn về chính trị, xã hội.

Tóm lại, việc hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc “va chạm” nhau trên nhiều khía cạnh phản ánh những thay đổi ở tầng sâu hơn, không chỉ trong quan hệ giữa hai nước này mà trong phân bố cấu trúc quyền lực của thế giới. Cùng một số tác nhân như các hiện tượng thời tiết cực đoan, các tình huống “thiên nga đen” về kinh tế và xã hội, các thách thức an ninh mới nổi trong khi các thách thức cũ chưa được giải quyết, hệ thống quốc tế giờ đây trở nên ngày càng khó lường hơn bao giờ hết.

Một số suy nghĩ về đối sách cho Việt Nam

Tất cả những xu thế trên về cơ bản sẽ tiếp diễn trong năm 2020. Các xu hướng này đặt các nước vào tình trạng buộc phải thay đổi và điều chỉnh chiến lược, kể cả những cường quốc hàng đầu thế giới.

Là một quốc gia coi trọng các giá trị hoà bình, hợp tác, phát triển, Việt Nam tiếp tục thực hiện sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chính sách này đã góp phần đưa đến những thành tựu to lớn trong nhiều năm qua, cần tiếp tục duy trì, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chính sách.

Trong bối cảnh phức tạp của tình hình, bài học quý là càng duy trì tính độc lập, tự chủ càng nâng cao giá trị chiến lược của đất nước. Đồng thời, chủ trương đa dạng hoá, đa phương hoá giúp nâng cao tính chủ động, tranh thủ thúc đẩy quan hệ nhưng đồng thời giảm phụ thuộc quá mức vào một số các đối tác cụ thể. Sự chủ động, tích cực thể hiện ở chỗ, trong những năm qua, Việt Nam đã chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, được các nước đánh giá cao, tiêu biểu như việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội vào tháng 2-2019, tiếp tục cử quân nhân tham gia Phái bộ gìn giữ hoà bình tại Nam Xu-đăng (PKO) và thường xuyên nêu quan điểm tích cực tại các diễn đàn quốc tề về tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, thúc đẩy phát triển, xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ đem đến cả cơ hội và thách thức nhưng cách tiếp cận ở đây là “tích cực, chủ động” để phát huy lợi ích quốc gia và đóng góp vào các công việc chung. Việt Nam không chỉ là một “người thực thi” các cam kết mà còn tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Việt Nam sẽ ngày càng coi trọng việc thích ứng với những xu thế kinh tế mới do nền kinh tế gắn kết sâu rộng với khu vực, thế giới. Trong nhiều năm qua, khu vực kinh tế đối ngoại luôn nằm trong số những lực lượng đóng góp chủ chốt nhất cho tăng trưởng kinh tế. Với việc hoàn tất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), gần đây nhất là hai Hiệp định CPTPP và EVFTA, Việt Nam đang chứng tỏ quyết tâm xây dựng nền kinh tế ở nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị và liên kết toàn cầu. Các xu hướng mới của kinh tế thế giới như chuyển đổi số được phản ánh cụ thể vào các hoạt động đối ngoại, ví dụ như các cam kết trong khuôn khổ APEC, ASEAN hay RCEP. Một thực tế là kinh tế số ở Việt Nam tăng trưởng với con số ấn tượng, trung bình 38% kể từ năm 2015. Việc xây dựng nền tảng kinh tế coi trọng công nghệ cao và tăng trưởng bền vững cũng là những nhân tố khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các đối tác quốc tế. Điều cần làm tiếp theo để nâng cao hiệu quả của hội nhập, liên kết kinh tế là thu hút sự ủng hộ, hưởng ứng nhiều hơn nữa người dân, doanh nghiệp.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền lợi hợp pháp và bảo hộ công dân tiếp tục là các ưu tiên cao của đối ngoại trong năm qua và những năm tới. Đơn cử, trong năm 2019, trước vụ việc tàu Hải Dương - 08 của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các biện pháp với phương châm “kiên quyết, kiên trì”, phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Ví dụ này cho thấy các nhiệm vụ đối ngoại luôn nặng nề, đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành, toàn diện, hệ thống và nhất là trong bối cảnh hiện nay, đó còn là yêu cầu nhanh chóng và hiệu quả. Càng gắn kết với thế giới, ngoại giao càng chứng tỏ vai trò đi đầu trong việc giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi còn chưa nguy.

Việt Nam không còn được xem như một nước nhỏ mà đã mang vóc dáng của một nước tầm trung, vì vậy cần có điều chỉnh cách thức ứng xử đối ngoại phù hợp. Với dân số thứ 15, quy mô kinh tế trong tốp 35 (dự báo sẽ là tốp 30 vào 2030), có năng lực đáng kể về quốc phòng - an ninh, đối ngoại, chính trị - xã hội ổn định, tăng trưởng nhanh, Việt Nam có thể tự tin để vươn tới các mục tiêu táo bạo hơn. Sự khiêm tốn là cần thiết nhưng trong một số lĩnh vực và tình huống nhất định, định vị quốc gia chính xác sẽ tạo điều kiện để có các quyết sách phù hợp hơn với thực tiễn mới của tình hình. Việc tham gia kiến tạo luật chơi trong ASEAN hay Liên hiệp quốc tới đây có thể được nhìn nhận qua lăng kính đó. Nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng đa phương… là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất