ASEP thường được tổ chức trước khi diễn ra các cuộc họp cấp cao ASEM để thảo luận và đưa ra những kiến nghị về các nội dung trong chương trình nghị sự của Diễn đàn ASEM nói chung, đặc biệt là cho các cuộc họp cấp cao của ASEM. Quốc hội nước Chủ tịch luân phiên của Diễn đàn ASEM sẽ chủ trì việc tổ chức Hội nghị ASEP. Hội nghị ASEP lần thứ 9 được tổ chức tại Mông Cổ vào năm 2016 và theo cơ chế luân phiên, Hội nghị ASEP 10 năm nay được tổ chức tại Bỉ. Là thành viên sáng lập của ASEP, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các hội nghị ASEP. Việc tham gia ASEP cũng giúp tăng cường quan hệ song phương giữa Quốc hội Việt Nam và quốc hội các nước thành viên thuộc hai châu lục.
Hội nghị Đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP) lần thứ 10 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, châu Âu vẫn đang phải vượt qua các chấn động của cuộc khủng hoảng Brexit trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm tốc. Dự kiến kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng trưởng 2,3% (năm 2018) và dự báo tăng 2% (năm 2019) (1). Tuy nhiên cùng với chính sách bảo hộ gia tăng và với chính sách mới của Tổng thống Hoa Kỳ, nhất là việc cắt giảm thuế sẽ đe dọa đến nền kinh tế châu Âu. Kinh tế Việt Nam năm 2018 dự báo đạt khoảng 6,7%, năm 2019 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8% (2). Các điểm “nóng” khu vực cũng trở nên căng thẳng hơn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh, khủng bố, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, tranh chấp lãnh thổ ngày càng phức tạp hơn.
Trước tình hình đó, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) tiếp tục khẳng định vị thế và sự phát triển năng động, đáp ứng tốt hơn lợi ích người dân, đưa hợp tác Á - Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả, nâng cao vị thế và nâng tầm đóng góp của ASEM vào các nỗ lực chung toàn cầu trong thập niên phát triển mới. Để thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM trong bối cảnh mới, việc thu hẹp khoảng cách phát triển, giữ được mối quan hệ hài hòa giữa hòa bình và phát triển, mở rộng kết nối trên các lĩnh vực như giao lưu nhân dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đồng thời tìm ra giải pháp cho các thách thức an ninh mới, phi truyền thống sẽ là những nội dung chính trong chương trình hành động của các nhà lãnh đạo hai châu lục.
Hội nghị ASEP 10 tập trung vào chủ đề biến đổi khí hậu và môi trường, những thách thức phi truyền thống đối với phát triển kinh tế, di cư và an ninh nói chung, từ đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường hợp tác đa phương thông qua các diễn đàn và thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực, nhất là thương mại, biến đổi khí hậu và an ninh, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để đối phó với những thách thức chung.
Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch EP Heidi Hautala đã ghi nhận những nỗ lực tích cực của nhiều quốc gia trong việc thúc đẩy môi trường an toàn, trong đó tất cả mọi người được tiếp cận hệ thống giáo dục, an ninh lương thực được tăng cường, người dân có nhiều cơ hội để bày tỏ chính kiến, tăng cường bình đẳng giới và hòa bình. Quan hệ đối tác đã được thiết lập giữa các nước Á - Âu và tiến trình ASEM, ASEP là một phần không thể thiếu, đồng thời là cầu nối hết sức quan trọng giữa hai khu vực trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều thách thức mang tính toàn cầu. Các bài phát biểu khai mạc nhấn mạnh, các nước Á - Âu hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống và tương lai của người dân, trong đó có nhiều thách thức có liên quan chặt chẽ với nhau như biến đổi khí hậu và môi trường, khủng bố quốc tế, các xung đột kiểu cũ và mới, người tị nạn, vấn đề di cư, sự bất ổn của thị trường, sự thay đổi về chính sách tài chính và tài khóa, bất bình đẳng xã hội, vi phạm quyền con người, tội phạm có tổ chức, thiên tai cũng như các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong bối cảnh đó việc tăng cường hợp tác đa phương thông qua các diễn đàn quốc tế và các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực có vai trò quan trọng. Các đại biểu tin tưởng rằng châu Âu và châu Á, khu vực chiếm 60% dân số và GDP của thế giới sẽ khẳng định mục tiêu chung trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương như là phương thức hiệu quả và công bằng nhất nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển hoan nghênh chủ đề của Hội nghị ASEP 10 về “Biến đổi khí hậu và thách thức đối với chủ nghĩa đa phương”. Đây là một nội dung mang tính thời sự đề cập tới những tác động của biến đổi khí hậu và những thách thức mang tính toàn cầu không chỉ đối với năng lực điều hành của các chính phủ, sự vững chắc của các thể chế chính trị và các nền kinh tế mà còn đối với tính khả thi, bền vững của các liên kết quốc tế đa phương hiện nay. Trước những thách thức của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, những vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu đang là động lực để chủ nghĩa đa phương khẳng định vai trò của mình trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn của thời đại. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Việt Nam nhận thức rằng ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, tận dụng các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp tích cực, chủ động ứng phó đối với vấn đề này. Để phát huy vai trò của ASEP, ASEM nói riêng và các diễn đàn nghị viện đa phương nói chung trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Trưởng đoàn nước ta đã có một số đề xuất quan trọng: 1- Thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, các nghị sỹ, chuyên gia, doanh nghiệp về lĩnh vực biến đổi khí hậu; 2- Thúc đẩy giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Nghị định thư Ky-ô-tô và Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu; 3- Ủng hộ đề xuất của Nghị viện châu Âu (EP) tại Đại hội đồng AIPA 39 tại Xin-ga-po tháng 9-2018 về tổ chức cuộc gặp đối thoại liên khu vực hàng năm giữa EP và AIPA về những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm; hướng tới thành lập một diễn đàn liên nghị viện EP-AIPA với văn kiện cuối cùng là Tuyên bố chung giữa EP và AIPA.
Tại phiên thảo luận về “Thách thức và tác động của biến đổi khí hậu và môi trường đến vấn đề an ninh”, ASEP 10 nhấn mạnh mục tiêu quan trọng là bảo đảm hòa bình, ổn định và môi trường bền vững cho tất cả các quốc gia; kêu gọi ngăn chặn xung đột thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Hội nghị khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết của Hiệp ước toàn cầu về chống vũ khí hạt nhân. Các đại biểu trao đổi với tinh thần xây dựng các sáng kiến ngoại giao gần đây trên Bán đảo Triều Tiên và bày tỏ lo ngại về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo; kêu gọi các quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ các nghị quyết liên quan của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc và đồng ý đối với kế hoạch nhằm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, ủng hộ các nỗ lực để xây dựng niềm tin và cùng chung sống hòa bình. Một số nước thành viên cũng thể hiện sự quan ngại về tình hình người Rohingya và kêu gọi các bên liên quan, các nhà tài trợ quốc tế tăng cường trợ giúp nhân đạo cho những người tị nạn.
Về tác động của biến đổi khí hậu và môi trường đến vấn đề kinh tế”, các đại biểu tái khẳng định vai trò quan trọng của thương mại quốc tế dựa trên luật lệ, mở cửa, tự do, minh bạch và không phân biệt đối xử, thông qua hệ thống đa phương và thực hiện Chương trình phát triển bền vững. Trong đó, WTO giữ vai trò trung tâm, là diễn đàn để các nước trao đổi cởi mở và thương lượng về các vấn đề liên quan đến thương mại toàn cầu; Hội nghị cũng nhấn mạnh mục tiêu củng cố hệ thống thương mại đa phương hội nhập và hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững ở mức tối đa nhất. Hội nghị ASEP 10 kêu gọi thực hiện các chuẩn mực lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, tác động của môi trường bền vững, công bằng về tài chính, chống tham nhũng và thực hiện các cơ chế giải quyết xung đột một cách hiệu quả; các quốc gia cũng cần hạn chế đưa ra những biện pháp bảo hộ thương mại - các rào cản thuế và phi thuế quan. Đây là điều kiện cần thiết để thúc đẩy thương mại và các mối quan hệ đầu tư giữa các nước thành viên ASEM phát triển.
Các nghị sỹ cũng trao đổi vấn đề “Thách thức và tác động của biến đổi khí hậu và môi trường đến vấn đề di dân”. Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới các chỉ số xã hội và môi trường của sức khỏe như không khí sạch, nước uống sạch, đầy đủ lương thực và chỗ ở an toàn. Theo đó, từ năm 2030 đến năm 2050, có thêm 250.000 người chết mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy, say nắng. Nhiệt độ không khí ở mức cao trực tiếp gây ra các ca tử vong vì bệnh tim và các bệnh đường hô hấp. Các đại biểu kêu gọi các cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận Pa-ri trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm giảm thiểu, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và minh bạch trong hoạt động. ASEP 10 nhấn mạnh sự quan tâm đối với người tị nạn liên quan đến biến đổi khí hậu và tính hiệu quả còn hạn chế của luật di cư quốc tế và các cơ chế quốc tế bảo vệ người dân bị thay đổi chỗ ở. ASEP 10 mong muốn các bên có liên quan, bao gồm chính phủ và nghị viện các nước ASEM thiết lập khuôn khổ chung nhằm xác định và quản lý việc di cư do biến đổi khí hậu.
Các đại biểu đã đề xuất một số biện pháp như tăng cường trao đổi nghị viện và chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu để nghị viện các quốc gia có những dự báo và quyết sách phù hợp nhằm thích ứng và giảm nhẹ hiện tượng di cư do biến đổi khí hậu gây ra; xây dựng các tiêu chí về sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính và tài nguyên thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường công tác giám sát của Nghị viện đối với các chương trình dự án về biến đổi khí hậu; nội luật hóa các cam kết quốc tế về tị nạn từ các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm thực hiện bảo trợ xã hội đối với người nhập cư và tái định cư vì môi trường và biến đổi khí hậu; tăng cường lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào chính sách, chiến lược, kế hoạch trong đó chú trọng việc lồng ghép chính sách di cư và tái định cư.
Ngoài ra, tại Hội nghị ASEP 10 các nghị sỹ của hai châu lục cũng thảo luận về các biện pháp xây dựng quan hệ đối tác Á - Âu để giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu và môi trường tạo nên. ASEP 10 khẳng định vai trò của ASEM trong việc xây dựng cầu nối duy nhất giữa châu Âu - châu Á và hình thành quan hệ đối tác, đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong bối cảnh quản trị toàn cầu có nhiều thay đổi và sự suy giảm vai trò của các cơ chế đa phương. Các đại biểu nhấn mạnh quan hệ đối tác ASEM hoàn toàn dựa trên Tuyên bố của Liên hiệp quốc về nhân quyền và các điều khoản của Hiến chương Liên hiệp quốc về sự toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Các nghị sỹ tin tưởng rằng quan hệ đối tác ASEM có tính tương hỗ và là một phần của các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương ở Liên hiệp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các cơ chế đa phương khác. Tuyên bố chung của Hội nghị ASEP 10 là văn kiện quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM 12 tổ chức tại Bỉ từ ngày 18 đến 19-10-2018.
(1). Theo Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề kinh tế EU ngày 3-5-2018.
(2). Nguồn: Báo cáo của Bộ Ngoại giao về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam tháng 7-2018.
ThS. Nguyễn Tường Vân
Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội