Sự đòi hỏi ra đời một quy định chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên trong tình hình mới
Đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Chỉ khi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn mới có được ý chí, hành động cách mạng trong sáng, tinh thần phụng sự, cống hiến vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao. Nguyên nhân căn bản là sự thiếu tu dưỡng đạo đức trong cán bộ, đảng viên, đòi hỏi cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh song song với biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện mang tính phòng ngừa tích cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".
Điều này tác động mạnh đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, cần phải đặt ra yêu cầu cao hơn nữa về tinh thần tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong thời kỳ mới, Đảng cần phải có chuẩn mực đạo đức cách mạng mới, cần cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Quy định 144 ra đời kịp thời, phù hợp với giai đoạn mới.
Quy định 144 đặt ra những tiêu chuẩn và trách nhiệm cao đối với đảng viên, cán bộ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự giác và tự rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất đạo đức cao, đóng góp vào sự phát triển của bản thân, gia đình và tổ chức đảng. Theo đó, đảng viên, cán bộ phải tự giác, tự quản và tự rèn luyện tuân thủ nguyên tắc và quy định của Đảng, cũng như pháp luật của Nhà nước. Đảng viên, cán bộ cần đặt ra mục tiêu phát triển bản thân, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và ý thức đạo đức, từ đó đóng góp mạnh mẽ và hiệu quả hơn vào công việc và cuộc sống.
Quy định 144 của Bộ Chính trị đã truyền đi thông điệp là Đảng rất nghiêm túc, quyết liệt khi đề ra những tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, khẳng định quyết tâm của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hướng đến mục tiêu hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng không chỉ là căn cứ để cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự điều chỉnh nhận thức và hành vi mà còn là cơ sở cho việc giáo dục đạo đức cách mạng, hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên để “tự soi”, “tự sửa”
Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay theo Quy định 144, cụ thể: Điều 1: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Đây là tiêu chuẩn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: Trung với nước, hiếu với dân. Đây là phẩm chất bao trùm, quan trọng nhất của người cán bộ, đảng viên. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng (1958)”, Người yêu cầu cán bộ, dảng viên “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.
Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Đảng coi bản lĩnh của cán bộ là một phẩm chất đạo đức. Chỉ có bản lĩnh cán bộ mới dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Yêu cầu cán bộ phải có bản lĩnh không mới nhưng trong tình hình hiện nay đó là một yêu cầu cấp thiết và là một tiêu chuẩn đạo đức cần thiết của cán bộ. Đề cập đến tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là thực trạng xảy ra ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tình trạng này xảy ra trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ trong đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân,… dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu ý kiến trước Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…".
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, cần "Xóa bỏ nhận thức trong một số cán bộ, công chức “không làm thì không sai”, “đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” đang xuất hiện và là một loại “tự diễn biến” cản trở nghiêm trọng sự phát triển và khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức".
Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong đó đề cập tới các tiêu chí tự trọng, giữ gìn danh dự, phẩm giá. Lòng tự trọng, phẩm giá của cán bộ, đảng viên cần được đề cao để giữ gìn uy tín của Đảng; phải có lòng tự trọng, luôn giữ gìn danh dự, phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, vì Đảng, vì dân làm việc và rèn luyện để cống hiến. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho mình “Văn hóa liêm chính”, từ đó sẽ có những cán bộ có năng lực, đạo đức, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước.
Còn một biểu hiện cụ thể của việc bảo vệ danh dự của cá nhân người lãnh đạo và tập thể là “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”, cán bộ dù ở địa phương hay Trung ương, ở cấp thấp hay cấp cao đều phải có ý thức tự nguyện rời khỏi vị trí khi không còn đủ khả năng, uy tín, tạo thành “văn hóa từ chức.” Đây là việc làm cần thiết của những người có lòng tự trọng để bảo vệ danh dự của bản thân và tổ chức đảng nơi họ công tác.
Đảng ta tiếp tục đề cập đến “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” bằng những quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với bản thân, gia đình và tổ chức đảng. Đây là phẩm chất cốt lõi của cán bộ, đảng viên, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng, thể hiện phẩm chất và năng lực trong bảo đảm thực thi, hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Khi cán bộ, đảng viên ghi nhớ và thực hành sâu sắc “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” sẽ góp phần quan trọng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức và tổ chức.
Từ những nội dung trong Quy định 144 của Bộ Chính trị, khẳng định nhất quán quan điểm của Đảng ta kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện phẩm chất đạo đức một cách thường xuyên, liên tục, mọi lúc mọi nơi, bất cứ trong hoàn cảnh nào và luôn nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Trần Công Huyền