Lá phiếu niềm tin

Ngày 23-5-2021 cử tri trên khắp mọi miền Tổ quốc trực tiếp bỏ phiếu bầu chọn 500 đại biểu Quốc hội, gần 4.000 đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố, hơn hai vạn đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện và hơn 24 vạn đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, phường. Đây là cuộc bầu cử đặc biệt, lần đầu tiên diễn ra trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất, nguy hiểm nhất từ trước tới nay trên địa bàn của gần một nửa số tỉnh, thành phố của cả nước, nhiều nơi phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, với 99,57% cử tri đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử lần này đã rất thành công. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên cả nước cao hơn cuộc bầu cử 5 năm trước (99,35%). Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao, trong đó, tỉnh Hậu Giang có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất là 99,99%, Trà Vinh 99,98%; Lào Cai 99,98%; Vĩnh Long 99,97%… Tỷ lệ cử tri đi bầu thấp nhất cũng trên 98%. Hầu hết các tổ bầu cử đều kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo giờ quy định, một số nơi kết thúc cuộc bỏ phiếu lúc 21h.

Kết quả trên cho thấy cuộc bầu cử đã thành công trong bối cảnh hết sức đặc biệt của dịch bệnh Covid-19, hơn thế, đây còn là minh chứng sinh động, sâu đậm nhất cho tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và niềm tin cử tri và nhân dân ta dành cho Đảng và Nhà nước và hội đồng nhân dân các cấp. Niềm tin ấy có cơ sở vững chắc bởi:
       
Kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946 bầu ra Quốc hội khóa I, đến nay, nhân dân ta đã 14 lần cầm lá phiếu bầu ra Quốc hội đại diện cho mình thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi nhất cho các cơ quan dân cử thực hiện đúng quyền lực mà nhân dân ủy quyền. Được cử tri, nhân dân cả nước tin tưởng, Quốc hội luôn đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp và giám sát tối cao, huy động trí tuệ tập thể của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, trí tuệ của toàn dân trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội của Đảng đã xác định, tạo dựng nền tảng vững chắc cho đất nước ngày càng phát triển.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngay sau thành công Đại hội XIII của Đảng. Đại hội đặt ra mục tiêu không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021-2025 mà còn tầm nhìn tới 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Việt Nam sẽ phấn đấu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao với GDP là 2.500 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người là 18.000 USD. Đây chính là khát vọng phồn vinh của dân tộc. Nếu không có một Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đủ mạnh, hoạt động hiệu quả, liệu có thể cụ thể, thể chế hóa nghị quyết Đại hội của Đảng nhằm thực hiện các mục tiêu trên? Niềm tin vào định hướng lãnh đạo của Đảng, vào tương lai phồn vinh của dân tộc thôi thúc mỗi cử tri tự giác thực hiện nghĩa vụ, quyền công dân xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Niềm tin tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin ấy thôi thúc mỗi người phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm xây dựng đất nước phát triển bền vững dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất