Sự bùng phát dịch COVID-19 từ Vũ Hán (Trung Quốc) cảnh báo một nguy cơ đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu, đang lan nhanh làm rung chuyển thế giới. Từng quốc gia, lãnh thổ thiết lập kỷ cương “thời chiến” để quản lý đất nước bảo đảm tối đa sự an toàn của người dân. Đó cũng là cách toàn thế giới chung tay chống kẻ thù chung.
Việt Nam là đất nước mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới nên khả năng lây nhiễm dịch bệnh là khó tránh khỏi. Ngày 29-1-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký Công văn số 79-CV/TW gửi: các cấp ủy đảng, các ban, ngành về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho người dân tự phòng là chính.
Ngay từ ngày đầu dịch bùng phát, Thủ tướng tuyên bố: “Chống dịch phải như chống giặc, kể cả có thiệt hại về kinh tế cũng chấp nhận bởi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết”. Và “sẵn sàng đón bà con về nước, cuộc chiến này không có ai bị bỏ lại”... Bộ máy từ Trung ương đến địa phương vào cuộc. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của quốc gia được thành lập do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Bộ Y tế là lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Bộ Quốc phòng điều hành mọi hoạt động, tổ chức cách ly, cùng với Bộ Công an quản lý mọi hoạt động xâm nhập của dịch bệnh. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm mọi hoạt động bình thường cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho toàn dân; Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch đón đồng bào trên thế giới có nhu cầu về nước, sẵn sàng hạn chế các phương tiện giao thông giữa Việt Nam với thế giới, đồng thời cắt bớt các loại hình giao thông đối với các địa phương trong nước; Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số, với khẩu hiệu “chuyển đổi hay là chết”, nhanh chóng đưa công nghệ phục vụ chống dịch; Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách kinh tế thời chiến giảm bớt khó khăn của các doanh nghiệp, xác định các chế độ phụ cấp thời chiến cho các đối tượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoạch định kế hoạch kinh tế thời chiến và kế hoạch phát triển kinh tế thời hậu chiến; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cân đối các hoạt động du lịch chuyển đổi các hình thức hoạt động du lịch, đưa văn hóa - nghệ thuật động viên nhân dân vượt qua khó khăn chiến thắng dịch bệnh. Các doanh nghiệp cân đối kế hoạch, chuyển đổi mô hình sản xuất, bảo đảm phát triển kinh tế; Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, động viên nhân dân đoàn kết đồng lòng, đóng góp sức người, sức của tất cả vì tính mạng con người, tất cả để chiến thắng dịch bệnh; các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch, cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, phát hiện và đấu tranh với các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh.
Thể hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”. Ngày 30-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19. Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu mọi tổ chức, cơ quan đều phải nỗ lực trong công tác của mình, theo tinh thần: "Chúng ta làm hết sức vì sức khoẻ, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội. Nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng, toàn dân Việt Nam đều đồng lòng, toàn dân chống dịch thì Việt Nam ta nhất định chiến thắng, như dân tộc Việt Nam ta đã từng nhiều lần chiến thắng”.
Ngày 31-3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhấn mạnh: Chúng ta đang vào giai đoạn "thời gian vàng" 2 tuần để quyết định thành công hay thất bại trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, hệ thống chính trị có nhiều cố gắng, “đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi thì càng quyết liệt, chặt chẽ hơn, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”, phải thành công chứ không thất bại, không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết tại Việt Nam. Vì vậy phải thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại "ổ dịch". Đến ngày 15-4-2020 Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương thành 3 nhóm: nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp. Các nhóm này không phải bất biến. Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 22-4 hoặc 30-4, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ, mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch, tất cả các mũi giáp công cùng tiến tới. Cuộc chiến chống giặc COVID-19 còn gian nan nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, kỷ luật, đoàn kết toàn dân chúng ta nhất định sẽ chiến thắng. Tôi mượn lời của một nữ bệnh nhân trẻ khi rời trung tâm điều trị dịch COVID-19 về với gia đình để kết thúc bài viết: Sinh con ra, lo lắng và hy sinh cho con lúc bình yên cũng như sóng gió là cha mẹ. Mở rông vòng tay đón con trở về trong lúc hoạn nạn là quê hương, Tổ quốc Việt Nam. Tình yêu Tổ quốc lúc này là hành động. Hãy hành động cuộc chiến đang tiếp diễn ở giai đoạn cam go nhất và có thể còn kéo dài.
Trần Công Huyền