Chiều 8-4, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV bế mạc sau 12 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với nội dung trọng tâm là tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 và kiện toàn nhân sự bộ máy lãnh đạo cơ quan Nhà nước.
Kế thừa thành tựu của những nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ qua, mặc dù có nhiều khó khăn và biến động phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của Nhân dân, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đã cố gắng phấn đấu cao độ, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, tạo nên những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm nợ công xuống mức thấp, tăng xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ, tạo dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Đó là cải cách thể chế kinh tế, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chính phủ điện tử. Chính phủ đã xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con, đơn giản hóa một nửa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Đó là hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, vừa mở ra thị trường mới, vừa tạo áp lực để tiếp tục cải cách trong nước.
Đó là chống đại dịch Covid-19 thành công, giúp nền kinh tế ít bị phong tỏa. Nhờ đó, kinh tế của đất nước có triển vọng phát triển khá, được các định chế tài chính quốc tế đánh giá tốt.
Những thành tích này đã tạo nên năng lượng mới tích cực cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế. Vị thế của Việt Nam đã có bước tiến tích cực trên trường quốc tế”. Theo IMF, Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN và đứng thứ 37 thế giới. Những nền tảng kinh tế và vị thế đất nước ngày nay, là kết quả của nỗ lực của nhiều thế hệ đi trước trong đấu tranh giữa cái cũ và mới, giữa đổi mới và lạc hậu trong suốt hành trình dài kể từ khi bắt đầu Đổi mới và mở cửa cách đây 35 năm.
Tuy nhiên, nền kinh tế đến nay vẫn ở giai đoạn chuyển đổi với nhiều khiếm khuyết, lạc hậu cần nhận diện để khắc phục, vươn lên. Điểm hạn chế chủ yếu của nền kinh tế hiện nay là hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, đặc biệt là hiệu quả đầu tư. Thay đổi căn bản thể chế về cách thức phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội là một trọng tâm cải cách để tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Giải pháp bao gồm hoàn thiện thể chế về thị trường định hướng XHCN các yếu tố sản xuất, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố hiệu quả sử dụng nguồn lực; thực hiện phân bố nguồn lực theo nguyên tắc thị trường vào những ngành, lĩnh vực và vùng có hiệu quả cao, có tác động lan tỏa; khắc phục tư tưởng bao cấp, xin cho, ỷ lại của các cấp, các ngành, địa phương và trong xã hội. Cần hiện đại hóa kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; tạo dựng thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả.
Nhân dân kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội được Quốc hội bầu sẽ kế thừa những thành tựu đã đạt được, tháo gỡ những nút thắt, những hạn chế, tiếp tục đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Kỳ vọng bộ máy lãnh đạo mới của Nhà nước sẽ làm theo lời Bác “dĩ công vi thượng”, không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của mình hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao. Kỳ vọng bộ máy, lực lượng nhân sự trụ cột của quốc gia, thật sự mạnh, đoàn kết nhất trí lãnh đạo đất nước tiến lên, sớm đạt tới thịnh vượng, hùng cường như mong muốn và khát vọng của nhân dân.
Khánh Chi