Ngày 28-8-2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc với ông Nguyễn Đức Chung để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, ngày 11-8-2020, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội với ông Nguyễn Đức Chung (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1223/QĐ-TTg đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Chung.
Theo Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến 3 vụ án hình sự. Ngoài vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, ông Chung còn liên quan đến vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan và vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP.Hà Nội có liên quan đến chế phẩm Redocy-3C.
Vì sao nên nỗi? Giống như cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, bằng nhiều chiến công trong đấu tranh chống tội phạm, ông Nguyễn Đức Chung được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đều là tướng trong lực lượng vũ trang, đều là anh hùng chống tội phạm nhưng trớ trêu, cả hai ông đều trở thành tội phạm trước sức mạnh của đồng tiền. Không lẽ bài học chưa ráo mực của tướng Phan Văn Vĩnh không đủ sức cảnh báo ông Nguyễn Đức Chung?
Việc ông Nguyễn Đức Chung bị bắt và nhìn lại những năm gần đây, lãnh đạo cao nhất của ba thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều bị xử lý vì những sai phạm trong quá khứ và hiện tại, đều không thể đi hết nhiệm kỳ. Nếu không có quyết tâm chính trị, không vững niềm tin vào Tư tưởng Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, thì chắc sẽ không có kết quả như hôm nay. Kết quả này cũng cho ta bài học về đánh giá, lựa chọn nhân sự đại hội.
Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng đã đi được nửa chặng đường. Trong công tác nhân sự, việc đánh giá và lựa chọn nhân sự cho đại hội bầu sẽ có nhiều kinh nghiệm được rút ra từ chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ trước. Những sai phạm của ông Đinh La Thăng đâu phải sau Đại hội XII của Đảng mới xảy ra? Cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng đâu chỉ cần tài như những anh hùng mà cần có cả phẩm chất đạo đức, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khổ không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục. Hiện nay, Đảng ta đã có quy định về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội. Nên chăng có quy định về trách nhiệm giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội?
Công tác chuẩn bị nhân sự đại hội là một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội. Đánh giá, lựa chọn bầu được những cán bộ tài năng, đức độ vào cấp ủy quyết định việc thực hiện thành công nghị quyết, các chỉ tiêu của đại hội, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sống còn của chế độ, phát triển của đất nước. Bài học từ những vụ trọng án liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng nhiệm kỳ qua luôn là bài học thiết thực, đắt giá cho quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội hôm nay.
Đặng Thu Nga