|
Quang cảnh buổi họp báo.
|
Dịch bệnh tay chân miệng tăng
Về tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố đang tăng trong thời gian qua, tại buổi họp báo, đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết: Trong tuần 25, Thành phố ghi nhận 779 ca tay chân miệng, tăng gấp đôi (116,2%) so với trung bình 4 tuần trước (360 ca); trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần.
Số ca mắc tích lũy đến tuần 25 là 3.736 ca, thấp hơn 47,7% so với cùng kỳ năm 2022 (7.144 ca). Trong tuần 25, ghi nhận hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc tăng so với trung bình 4 tuần trước (21/22 quận huyện), trừ huyện Cần Giờ có số ca mắc không thay đổi.
Theo phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành, hầu hết các thuốc cần cho nhu cầu điều trị tay chân miệng đang được đáp ứng đầy đủ.
Tuy nhiên, có 2 loại thuốc có thể gặp khó khăn trong cung ứng giai đoạn tiếp theo nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng: theo báo cáo của các đơn vị trên địa bàn, nguồn thuốc Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm cho các trường hợp bệnh tay chân miệng phân độ nặng có thể gặp khó khăn trong thời gian tới, nếu dịch bệnh tay chân miệng kéo dài.
Phenobarbital 100mg/ml: Thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml là một trong các thuốc chống co giật, bên cạnh các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam, phenobarbital (uống)….
Phenobarbital 100mg/ml là thuốc phải kiểm soát đặc biệt, có ít nhà cung ứng trên toàn quốc. Hiện tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 cung ứng cho các đơn vị trên địa bàn Thành phố theo đơn hàng nhập khẩu. Theo thông tin phản hồi từ phía Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1, đơn hàng nhập khẩu đã được Cục Quản lý dược phê duyệt và dự kiến đầu tháng 7-2023 sẽ có đợt hàng tiếp theo cung ứng thuốc cho các đơn vị.
|
Đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế tại buổi họp báo.
|
Thuốc Immunoglobulin hiện có trên thị trường, tuy nhiên nguồn cung hạn chế, đây là tình hình khó khăn chung trên toàn quốc và trên thế giới. Immunoglobulin là thuốc chế phẩm sinh học có ít nhà cung ứng, hiện tại Việt Nam chưa sản xuất được mà chủ yếu sử dụng nguồn thuốc nhập khẩu. Hiện tại các đơn vị trúng thầu thuốc trên địa bàn Thành phố đang tiếp tục thúc đẩy các thủ tục liên quan, phối hợp nhà cung ứng để thực hiện cung ứng thuốc. Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc điều trị, trong đó đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi, đặt hàng các đơn vị nhập khẩu thuốc để đáp ứng theo nhu cầu điều trị thực tế.
Sở Y tế và các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân tay chân miệng từ các tỉnh phía Nam như Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang tích cực hoàn tất mua sắm đối với thuốc Immunoglobulin từ nguồn thuốc nhập khẩu của Công ty TNHH TM Dược phẩm Duy Anh vừa được Cục Quản lý Dược và Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế hỗ trợ thúc đẩy tiến độ kiểm định.
Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố
Cũng tại buổi họp báo, đồng chí Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thành phố cho biết: Nhằm đẩy mạnh giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố, Sở Công thương đã triển khai các hoạt động hưởng ứng chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” và chương trình Ngày không tiền mặt trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2023.
Theo đó, đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện tuyên truyền, vận động thương nhân, tiểu thương tại các chợ, hộ kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn cùng tham gia và hưởng ứng chương trình Khuyến mại, chương trình Ngày không tiền mặt (từ ngày 15-6-2023 đến ngày 15-9-2023); phối hợp với Báo Tuổi Trẻ và Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức hoạt động dán mã thanh toán Không tiền mặt (QR Code) cho các cửa hàng, hộ kinh doanh, điếm bán tại các chợ, khu vực mua sắm, các tuyến phố ẩm thực trên địa bàn.
|
Đồng chí Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thành phố tại buổi họp báo.
|
Ngoài ra, Sở Công thương đã và đang phối hợp với Công ty TNHH Phần mềm FPT triển khai mô hình “Chợ truyền thống trực tuyến ” thông qua ứng dụng UTOP cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT để hỗ trợ tạo lập không gian giao dịch hàng hóa trực tuyến giữa tiểu thương và người tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm (LTTP) và nhu yếu phẩm tại chợ truyền thống và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến nay, mô hình đã được triển khai tại 33 chợ và đã phục vụ khoảng 15.000 đơn hàng, với tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng,
Về phương hướng triển khai trong thòi gian tới: Nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống tiếp cận và sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh; đồng thời, góp phần xây dựng Thành phố trở thành trung tâm mua sắm hiện đại, hấp dẫn, thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa các chủ thế của nền kinh tế, đặc biệt làm thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND TP. Thủ Đức, các quận - huyện triển khai nhân rộng Chương trình “Chợ trực truyến” trên địa bàn Thành phố.
Hoàng Hào