Đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Quang cảnh buổi họp báo.

Dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng

Tại buổi họp báo, đồng chí Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng cho biết: Từ khi có Luật Nhà ở năm 2005, chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố là tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đảm bảo không gian sống, nâng cao chất lượng sống cho công nhân, người lao động và người có thu nhập thấp. Kết quả phát triển nhà ở xã hội đạt được luôn tăng qua các giai đoạn, cụ thể như sau:

Giai đoạn 2006-2010: Xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với quy mô sử dụng đất 0,4486ha, diện tích sàn xây dựng 10.090m2, quy mô 118 căn hộ; Giai đoạn 2011-2015: Xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 10 dự án với quy mô sử dụng đất 10,1ha, diện tích sàn xây dựng 347.184m2, quy mô 3.768 căn hộ; Giai đoạn 2016-2020: Xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án, với tổng diện tích đất 24,67ha, diện tích sàn xây dựng 1,23 triệu m2, quy mô 14.954 căn hộ. Đây là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Tháng 3-2022, hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án, với diện tích đất 4.299,8m2, 32.668,4m2 sàn xây dựng, quy mô 260 căn hộ.

Đồng chí Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng phát biểu tại buổi họp báo.

Đồng chí Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng phát biểu tại buổi họp báo.

Dự án đang triển khai, thi công, chuẩn bị khởi công

Cũng theo đồng chí Mai Thanh Tùng: hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với diện tích đất 17,54ha, 517.689,7m2 sàn xây dựng, quy mô 6.383 căn hộ; đang triển khai 2 dự án nhà lưu trú công nhân, với diện tích đất 2,60ha, 120.624m2 sàn xây dựng, quy mô 1.400 phòng.

Các dự án đang triển khai, thi công, chuẩn bị khởi công.

Các dự án đang triển khai, thi công, chuẩn bị khởi công.

 Khó khăn, vướng mắc

Nói về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đồng chí Mai Thanh Tùng chia sẻ: Các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như: Thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức...

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Theo quy định, nguồn tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền, được sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế.

Nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà là chưa ổn định.

Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 mất nhiều thời gian; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài; Cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh.

Giải pháp thực hiện trong thời giai tới

Sở Xây dựng thành phố đã lập Kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố để hưởng ứng Đề án của Chính phủ về “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Khẩn trương hoàn thành việc lập và phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Rà soát quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; trường hợp chậm hoặc không thực hiện thì thu hồi, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu đất này theo quy định.

Tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân tại các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Điển hình hóa thiết kế được cấp phép xây dựng để triển khai, áp dụng hàng loạt nhằm rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng.

Ghi vốn đầu tư công và ngân sách để thực hiện các dự án, nhiệm vụ trọng tâm, gồm dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố hoặc giao cho Ban Dân dụng để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.

Tiếp tục kiến nghị với Trung ương các chính sách để tháo gỡ vướng mắc của thị trường bất động sản thông qua cơ chế Tổ Công tác của Chính phủ và thông qua việc góp ý các quy định đang sửa đổi và nghiên cứu, gồm Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Nghị quyết của Quốc hội về thay thế Nghị quyết 54, Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội,…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất