Nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo.

Tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa các giá trị nhân cách Hồ Chí Minh rộng khắp

Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Hồ Hải cho biết, Thường trực Thành ủy đang chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tham mưu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một khái niệm mới, có nội hàm rộng, vì vậy cần lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa để từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Qua Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp thu đầy đủ các nội dung tại Hội thảo để tham mưu, bổ sung, hoàn chỉnh Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ thành phố về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, các địa phương, các cơ quan, đơn vị vận dụng và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Trong đó, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu cần chú trọng các nhiệm vụ, trọng tâm, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự đồng thuận chung trong nhận thức, tư tưởng, đến thống nhất trong hành động, từ đó phát động toàn dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ tại từng địa phương, đơn vị, từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tập trung xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội nhanh và bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững.

Đồng thời, tiếp tục phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mỗi người dân thành phố. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức học tập, đa dạng hóa các mô hình giáo dục để tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa các giá trị nhân cách Hồ Chí Minh rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về văn hóa, như: tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943-2023); Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TW  của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới...

Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Các địa phương cần tập trung công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoàn thành quy hoạch, đầu tư xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa và nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành phố một cách toàn diện. Thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc; nâng cao chất lượng các câu lạc bộ và số người tham gia tập luyện thể dục, thể thao.

“Đối với lĩnh vực báo chí, cần quan tâm, chú trọng việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí; mở các chuyên mục, chuyên đề về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo quần chúng nhân dân” – đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh

Trước đó, đánh giá kết quả Hội thảo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Hội thảo đã nhận được 63 tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố; của các sở, ban ngành và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, TP. Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy. Các tham luận với những góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả đều có nhận định chung khẳng định sự cần thiết xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh; phân tích, làm rõ nội hàm không gian văn hóa, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một phạm trù mới, có nội hàm rộng, không chỉ có tầm ảnh hưởng trong phạm vi Thành phố, mà còn lan tỏa trên cả nước và thực hiện lâu dài. Hội thảo khoa học còn là dịp để lãnh đạo Thành phố tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, các nhà quản lý về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê kết luận hội thảo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê kết luận tại Hội thảo.

Các tham luận tại Hội thảo khoa học với những luận cứ xác đáng, tập trung phân tích, làm rõ 4 nhóm vấn đề. Nhóm nội dung thứ nhất, tập trung làm rõ nội hàm về không gian văn hóa, không gian văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng không văn hóa Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh tập trung phân tích và rút ra một số nhận định cơ bản về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính thức được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, thể hiện lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và được sự quan tâm của nhân dân cả nước.

Nhóm nội dung thứ hai, tập trung phân tích, làm rõ vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật đóng góp trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác. Để không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác luôn hiện hữu tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với những nét đặc trưng văn hóa của người dân thành phố là sự năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.

Nhóm nội dung thứ ba, giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở cơ sở. Từ thực tiễn phong phú ở cơ sở, các tham luận tập trung vào những yếu tố: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân thành phố hiểu đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó khơi dậy niềm tự hào sâu sắc của nhân dân TP. Hồ Chí Minh - địa phương duy nhất trong cả nước được vinh dự mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Nhóm nội dung thứ tư, đã tập trung đề xuất, làm rõ về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần lan tỏa nhiều việc làm tích cực, nhiều tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất