Ban chỉ đạo Đề án 165 tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm (2016-2017) và thông qua kế hoạch hoạt động năm 2018
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 165 chủ trì Hội nghị.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 165 về hoạt động của Ban từ năm 2016 đến nay khẳng định: Ngay sau khi Ban Chỉ đạo Đề án đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo đã bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, chủ trương đổi mới cách thức tổ chức các chương trình, tăng cường chất lượng các loại hình đào tạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đưa hoạt động của Ban Chỉ đạo đi vào thực chất.

Từ năm 2016 đến nay, công tác hợp tác quốc tế đã có những đổi mới tích cực, hiệu quả. Các hoạt động hợp tác với Nhật Bản (thông qua Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan phát triển Quốc tế Nhật Bản Jica), với Đại học Idiana, nhóm Sáng kiến Việt Nam và Đại sứ Hoa Kỳ, với Quỹ Temasek và trường Đào tạo công vụ của Singapore được triển khai.

Đề án 165 đã tập trung vào công tác quản lý, theo dõi đối với số học viên đã và đang được đào tạo ở nước ngoài. Đến nay, trong tổng số 665 học viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài (473 người học bậc thạc sỹ, 192 người ở bậc tiến sỹ)có 608 học viên đã về nước. Hiện nay, cán bộ dự tuyển thạc sỹ, tiến sỹ đang được bồi dưỡng tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ.

Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức 30 đoàn bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở Châu Á. Chủ đề và nội dung bồi dưỡng tập trung chủ yếu về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; quản lý công, chính sách công; xây dựng Đảng gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Ngoài hình thức bồi dưỡng 100% thời gian ở nước ngoài cho lãnh đạo cấp tỉnh và lãnh đạo bộ, ngành, Đề án đã triển khai loại hình bồi dưỡng học lý thuyết trong nước (mời giáo sư nước ngoài tới Việt Nam để thuyết trình), sau đó cử cán bộ đi nghiên cứu thực tế ở nước ngoài cho đối tượng là lãnh đạo cấp huyện, sở. Văn phòng đã tổ chức được 6 khóa bồi dưỡng tại Đồ Sơn theo hình thức 50% trong nước, 50% nước ngoài.

Việc tổ chức các chương trình bồi dưỡng trung hạn đã đi vào nền nếp và nâng cao về chất lượng, hiệu quả. Trong năm 2016, 2017, Đề án đã cử 29 cán bộ tham gia 4 khóa bồi dưỡng trung hạn 3-4 tháng tại Nhật Bản.

So với giai đoạn trước, chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, có nhiều chương trình được đánh giá tốt. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Đề án cũng gặp những khó khăn, tồn tại, hạn chế: Việc cung cấp học bổng đào tạo dài hạn ở nước ngoài của các tổ chức quốc tế cho cán bộ, công chức chưa có đầu mối quản lý thống nhất; một số cán bộ sau khi được đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ra khỏi quy hoạch hoặc chưa phát huy được khả năng; việc xử lý cán bộ không hoàn thành chương trình đào tạo, một số chương trình bồi dưỡng ngắn hạn do Đề án phân cấp cho các cơ quan, đơn vị tổ chức chưa thực sự có hiệu quả; một số cơ quan, bộ, ngành cử cán bộ làm đoàn trưởng thiếu kỹ năng, chưa đủ kỹ năng đàm phán với cơ sở đào tạo…

                        
 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị.

Ý kiến thảo luận tại Hội nghị tập trung vào các vấn đề: Chương trình, chủ đề đào tạo bồi dưỡng; cách thức phân cấp, chọn đối tác, mời chuyên gia giảng dạy; công tác quản lý nội bộ đoàn; vấn đề kỷ cương, kỷ luật; vấn đề kết hợp giữa đào tạo trong nước và đào tạo nước ngoài; phối hợp giữa Đề án 165 và các cơ quan, đơn vị trong tổ chức chương trình đào tạo; tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định: Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI, XII) luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác đào tạo, cần phải cập nhật kiến thức cho cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí đề nghị nội dung chương trình đào tạo cần bám sát Nghị quyết XII của Đảng, gắn với 3 đột phá chiến lược; siết chặt kỷ luật, kỷ cương (đúng đối tượng, thời gian, viết bài thu hoạch cá nhân, tập thể); kiểm soát chặt chẽ các đoàn đi ra, nhất là các đoàn được phân cấp; lựa chọn các loại hình đào tạo phù hợp, rút ngắn thời gian đào tạo nước ngoài, tăng hình thức đào tạo trung hạn; tăng cường mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy trong nước; mở rộng thêm chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cho cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý.

Về vấn đề phân cấp đào tạo, bồi dưỡng, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng cần làm thế nào để vừa giảm gánh nặng cho Đề án 165, nhưng cơ quan, đơn vị được phân cấp cần có kế hoạch cụ thể, tránh bị động, bảo đảm đúng đối tượng, đem lại hiệu quả cho chương trình đào tạo, tránh trùng lắp giữa chức năng, nhiệm vụ và các đoàn đi đào tạo. Ban Chỉ đạo cần có chương trình tổng thể đến cuối nhiệm kỳ để chủ động về chương trình, đối tượng, nội dung, địa bàn, bố trí ngân sách, từ đó các bộ, ngành liên quan cũng chủ động được trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất