Bộ Chính trị làm việc với đảng bộ các tỉnh Ðồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long

Tại các buổi làm việc, BCT đã nghe  Ban thường vụ các tỉnh ủy: Ðồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, phương hướng nhân sự chung và ý kiến phát biểu của các ban, bộ, ngành.

 

Thay mặt BCT kết luận các buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Ban Thường vụ các tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng các văn kiện và phương hướng công tác nhân sự chu đáo, nghiêm túc đúng quy trình theo tinh thần Chỉ thị 37 của BCT và hướng dẫn của các ban đảng. Cho ý kiến về những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2006-2010, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đảng bộ Ðồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long trong nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh đều theo hướng tích cực, huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT-XH. Công tác xây dựng đảng và thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt được nhiều kết quả quan trọng...

 

Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Các đảng bộ Ðồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long cần chú ý phát huy lợi thế phát triển nông nghiệp, thủy sản và kinh tế biển, quan tâm đầu tư phát triển du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, chính yếu của các địa phương trong nhiệm kỳ tới. Các tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đưa công nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn; quan tâm phát triển, nâng cao đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Với tỉnh Ðồng Tháp, BCT cho rằng, trong phát triển KT-XH, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong đó bất lợi về giao thông là rất lớn. Tuy nhiên, Ðồng Tháp còn nhiều tiềm năng về đất đai, vẫn có điều kiện phát triển thuận lợi hơn một số tỉnh. Về giao thông, khi các tuyến đường N1, N2 hoàn thành và đường sang Phnôm Pênh thông suốt, Ðồng Tháp sẽ có lợi thế mới. Nhiệm kỳ tới, Ðồng Tháp có khả năng tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phấn đấu đạt mức trung bình của vùng Đồng bằng Sông Cửu long (ÐBSCL), thật sự nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Với tiềm năng và lợi thế nông nghiệp, trong nhiệm kỳ tới và nhiều năm tới, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quyết định đối với tăng trưởng GDP, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh. Do vậy, tỉnh cần quy hoạch thủy sản, vùng trồng cây ăn quả, lúa; tăng nhanh những mô hình sản xuất có hiệu quả trên đơn vị diện tích, tăng mạnh yếu tố khoa học, công nghệ để tạo sức bật mới về giá trị gia tăng đối với ba sản phẩm chủ lực (lúa gạo, cá và trái cây); xây dựng một số thương hiệu sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Ðồng Tháp đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, chú trọng kết hợp giữa sản xuất thủy sản, cây ăn quả với du lịch sinh thái, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu với Cam-pu-chia, với vai trò là một "cửa ngõ quan trọng của trục Ðông Tây vùng ÐBSCL". Tỉnh cần tiếp tục thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, khai thác thế mạnh để có sản phẩm có thương hiệu; quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản.  

BCT cho rằng, An Giang có thế mạnh nông nghiệp và dịch vụ, là cửa ngõ của trục Ðông - Tây, có tuyến liên vận đường thủy thuận lợi... Ðảng bộ tỉnh xác định phấn đấu sớm trở thành một địa bàn kinh tế động lực, là cửa ngõ quan trọng của ÐBSCL và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5%/năm trong nhiệm kỳ tới là phù hợp. Tuy nhiên, với thế mạnh của mình, An Giang cần đặt mục tiêu phấn đấu "đến năm 2015 là tỉnh phát triển toàn diện, đạt mức trung bình so cả nước". Tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, cần tính toán khoa học các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng của các khu vực trong cơ cấu kinh tế, GDP bình quân đầu người... cho phù hợp với thực tế; chú ý xây dựng thương hiệu và tăng cường khâu chế biến để nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực. Là địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh, An Giang cần tiếp tục chăm lo xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, tăng cường hợp tác với Cam-pu-chia để phát triển KT-XH.

 

Làm việc với tỉnh Sóc Trăng, các đồng chí trong BCT lưu ý: Tỉnh cần phân tích kỹ các nhiệm vụ và giải pháp đầu tư phát triển về hệ thống hạ tầng, liên kết vùng, hệ thống đê biển, giáo dục đào tạo, đưa công nghiệp vào nông nghiệp... Thế mạnh của Sóc Trăng chính là phát triển nông nghiệp, có nguồn lực dồi dào, thuận lợi liên vùng, có điều kiện phát triển công nghiệp dịch vụ và kinh tế biển. Tuy nhiên, tỉnh còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, trình độ nguồn nhân lực, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo còn cao... Tỉnh cần xây dựng những giải pháp cụ thể, toàn diện, tạo quyết tâm chính trị, đầu tư có trọng tâm lĩnh vực có thế mạnh, đưa công nghiệp hóa vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân. Tỉnh cần có giải pháp rõ hơn trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Phấn đấu đưa Sóc Trăng trở thành địa phương có tốc độ phát triển trung bình khá của vùng ÐBSCL, đạt mức thu nhập bình quân xấp xỉ thu nhập bình quân của cả nước.

 

BCT lưu ý Trà Vinh vẫn là tỉnh nghèo, nhiều chỉ tiêu về KT - XH đạt thấp hơn so một số địa phương. Ðại hội lần này phải thể hiện quyết tâm chính trị mới, phát huy những thành tựu đã đạt được, phấn đấu đưa Trà Vinh sớm ra khỏi tình trạng nghèo, kém phát triển, trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của khu vực ÐBSCL, rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong vùng. Tỉnh cần xây dựng các giải pháp có tính khả thi cao, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tỉnh cần quan tâm giáo dục, quản lý ngư dân, coi trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo. Tỉnh cần phát huy các tiềm năng sẵn có: thế mạnh phát triển nông nghiệp, nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, có điều kiện phát triển kinh tế biển và các ngành nghề dịch vụ để tạo bứt phá phát triển KT-XH. Tỉnh cần chú trọng công tác đào tạo nghề cho người lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của  tỉnh 3%/năm, trong đó vùng đồng bào Khmer phải đạt 5%/năm.

 

Làm việc với tỉnh Vĩnh Long, BCT đề nghị tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP, ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững với sản lượng hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao. Ðảng bộ cần chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, tăng nhanh thu nhập của người dân; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của địa phương. Toàn đảng bộ cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đoàn kết trong Ðảng, đồng thuận trong nhân dân, phát huy các thế mạnh, đưa Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững, đạt mức trung bình khá của vùng.

 

Ðề cập đến công tác xây dựng đảng, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đảng bộ tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong Ðảng, nhân dân; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trọng tâm là "làm theo". Các địa phương chú trọng kiện toàn bộ máy trong hệ thống chính trị, đặc biệt quan tâm củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là cấp xã đủ mạnh, có chất lượng để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cần làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ... Các đảng bộ đẩy mạnh xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, chủ động xử lý các tình huống, giải quyết ngay những vấn để nảy sinh tại cơ sở, chăm lo xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh.

 

Ðồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đại hội đảng bộ là dịp quan trọng để các địa phương nhìn nhận lại những thành tựu và hạn chế, lợi thế và những khó khăn, phân tích làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Việc tổng kết, đánh giá thực tiễn cần sát với tình hình ở mỗi địa phương, đồng thời phải đặt trong bối cảnh chung của cả nước. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của BCT và các bộ, ngành, các tỉnh cần bổ sung, hoàn thiện các báo cáo chính trị cho phù hợp với tình hình địa phương; tập trung phân tích, nêu rõ các mục tiêu, giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện, đặt quyết tâm cao để thực hiện cho được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Nguồn: TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất