Bộ Quốc phòng sắp sếp, điều chỉnh tổ chức, biên chế một số cơ quan, đơn vị
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn thông tin tại buổi họp báo.

Tại cuộc họp báo, đại tá Nguyễn Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), cho biết thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng, triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch về tổ chức xây dựng lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Quốc phòng đã giải thể, điều chỉnh tổ chức, biên chế một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (quân số giảm gần 3.000 người). Điều chuyển hai Ban Quản lý dự án 678 và 98 về Tổng Công ty đầu tư Phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng. Giải thể 14 Lữ đoàn Công binh dự bị động viên thuộc 7 tổng công ty, gồm các Tổng Công ty: 36, 319, Đông Bắc, Thái Sơn, Lũng Lô, Trường Sơn, Thành An; giải thể hai Ban quản lý dự án 46, 47; 6 trung tâm dạy nghề - giới thiệu việc làm; Ngoài ra 22 trường cao đẳng, trung cấp nghề trong toàn quân đang trong lộ trình này.

Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại 4 cơ quan chiến lược làm điểm, giảm 10% biên chế. Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam được tổ chức thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Phòng Kiểm toán thành Kiểm toán Bộ Quốc phòng; tổ chức lại các cơ sở in trong quân đội...

Bộ cũng thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ tư lệnh 86); Trung đoàn 915 huấn luyện trực thăng thuộc trường Sĩ quan Không quân; sáp nhập 4 tạp chí: Quân huấn, Nhà trường Quân đội, Dân quân tự vệ và Giáo dục Quốc phòng thành Tạp chí Quân sự Quốc phòng, thuộc Bộ Tổng tham mưu...

Thực hiện đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020, Bộ Quốc Phòng đã sắp xếp và cổ phần hóa các doanh nghiệp, từ 109 xuống còn 17 doanh nghiệp, giải thể, điều chuyển nhiệm vụ quân sự của các doanh nghiệp.

“Quá trình điều chuyển tổ chức, tuy phải thành lập mới một số cơ quan, đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ, song Bộ Quốc phòng đã nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm không tăng biên chế. Đến nay, tổ chức quân đội nhân dân được điều chỉnh tương đối hợp lý giữa các lực lượng, sức chiến đầu được nâng lên”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, cho hay: “Tinh thần việc tổ chức sắp xếp lực lượng quân đội mục đích là phải làm cho quân đội mạnh lên đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hiện nay”. 

Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y đã thông tin về các mô hình quân dân y kết hợp tiêu biểu và kết quả hợp tác quốc tế nổi bật của ngành Quân y toàn quân năm 2018.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cho biết: Hiện nay, toàn quốc có 10 bệnh viện quân dân y, 5 trung tâm y tế quân dân y, 33 bệnh xá quân dân y, 138 phòng khám quân dân y và 835 trạm y tế quân dân y đang hoạt động.

Một số mô hình hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như Bệnh xá quân dân y kết hợp Mo Rai; Phòng khám quân dân y Biên phòng; Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo...

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Hà.

Đóng vai trò chủ đạo trong chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân, người lao động Công ty 78 (Binh đoàn 15), riêng năm 2018, Bệnh xá quân dân y kết hợp Mo Rai đã khám sức khỏe cho 5.863 lượt người, cấp cứu 40 bệnh nhân, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, Phòng khám quân dân y Biên phòng đã chú trọng làm tốt công tác khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới nước bạn Lào và Campuchia, tiêu biểu như Phòng khám quân dân y Thọm Pẹ, huyện Lạc Sao, tỉnh Bolykhamsay (Lào), trung bình mỗi năm khám chữa bệnh cho 3.000-3.200 lượt người dân nước bạn Lào.

Là mô hình trung tâm y tế quân dân y sớm nhất trên tuyến biển đảo, bắt đầu hoạt động từ năm 1995, Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo do Trung tâm y tế huyện Côn Đảo và lực lượng quân y thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Côn Đảo phối hợp thực hiện, có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân và bộ đội. Trong năm 2018, trung tâm đã khám chữa bệnh cho hơn 5.000 người dân, thu dung điều trị hơn 1.500 bệnh nhân, cấp cứu hơn 300 bệnh nhân, phẫu thuật hơn 200 bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp bệnh rất nặng nhưng không phải vận chuyển vào đất liền.

Trong năm 2018, Quân y Việt Nam cũng đã hợp tác quốc tế hiệu quả với quân y Trung Quốc và quân y các nước ASEAN, Nhật Bản, Cuba, Pháp. Trong đó, có nhiều nội dung hợp tác mới, được triển khai lần đầu tiên.

Cụ thể, trong năm 2018, lần đầu tiên Quân y Việt Nam và Quân y Trung Quốc phối hợp khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới Việt- Trung thuộc tỉnh Cao Bằng của Việt Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Kết quả, quân y 2 nước đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.415 người dân khu vực biên giới; số lượng người dân đến khám vượt 200% so với dự kiến ban đầu.

Một hoạt động hợp tác đáng chú ý khác là trong thời gian từ 18-7 đến 11-8-2018, Quân y Việt Nam đã tham dự Hội thao quốc tế về nội dung Tiếp sức quân y lại Liên bang Nga. Là lần đầu tiên tham dự sự kiện này, song Quân y Việt Nam đã để lại nhiều hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp, đứng thứ 6/9 nước tham dự, có một số nội dung đạt kết quả tốt như: Bắn súng ngắn dành cho bác sĩ nam; chuyên ngành bác sĩ nam.

Đặc biệt, sau hơn một năm xúc tiến công tác chuẩn bị, ngày 1-10-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 của Quân y Việt Nam đã chính thức lên đường làm nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc tại Nam Xu Đăng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất