Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cao Đức Phát trả lời chất vấn
Chiều ngày 12-6 và sáng 13-6, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội. Chiều 12-6 đã có19 lượt đại biểu Quốc hội của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập trung vào các nội dung sau: Công tác quản lý nhà nước về giá cả, năng suất, chất lượng của cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; Giải pháp nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế; Giải pháp hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi cho người nông dân; Biện pháp khắc phục hạn chế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm; Trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

Giải quyết khó khăn của ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn

Bộ trưởng đưa ra các giải pháp sau: Thứ nhất, chỉ đạo toàn bộ hệ thống, phối hợp với các địa phương, giám sát và quyết liệt chống dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh và lở mồm, long móng, đến nay đã cơ bản khống chế.

Thứ hai, tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn và con giống, để đảm bảo rằng trong lúc giá thức ăn cao người nông dân ít nhất cũng phải nhận được thức ăn và con giống chất lượng tương xứng với đồng tiền mà nông dân bỏ ra, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật.

Thứ ba, phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và các địa phương, nhất là các địa phương biên giới, quyết liệt kiểm soát về buôn lậu.

Giải quyết tình trạng lâm tặc phá rừng

Giải pháp Bộ trưởng đưa ra đó là: Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1685 và Quyết định số 07 về tăng cường các biện pháp chống phá rừng trái pháp luật và các chính sách về hỗ trợ bảo vệ rừng. Bộ cùng với các địa phương đang tích cực và sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai thực hiện chỉ thị và chính sách này.

Thứ hai, Bộ đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt và đang triển khai thực hiện đề án tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng, đang xây dựng đề án về tăng cường năng lực của hệ thống kiểm lâm. Vừa qua trong số gần 12.000 cán bộ kiểm lâm đã đưa về xã 5.500 người để hỗ trợ cho cấp ủy và chính quyền các xã triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Trong dư luận cũng có ý kiến là ngay trong việc phá rừng có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm thoái hóa, Bộ đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm tra và đã cùng với các địa phương thực hiện luân chuyển 815 người, xử lý kỷ luật 127 người và buộc thôi việc 7 người.

Cần phải tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành giao đất, khoán rừng, triển khai chủ trương về thu phí dịch vụ môi trường rừng để tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho nỗ lực bảo vệ rừng, giao khoán rừng cho nhân dân để nhân dân quan tâm nhiều hơn và cùng với các hệ thống cơ quan chức năng bảo vệ rừng.

Giải pháp đột phá nào giúp cho nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân thoát nghèo

Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp quan trọng có tính chất đột phá đối với ngành, đó là triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Chính vì vậy Bộ đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, có cần một gói giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để nông dân vượt qua khó khăn. Hiện nay khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang gặp phải đó là thị trường. Lúa đang chín đầy đồng khắp từ Nam tới Bắc, trái cây cũng rất nhiều, lợn gà cũng rất nhiều, cá tra cũng rất nhiều nhưng chính vì thị trường gặp khó khăn nên giá xuống, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế nên lúc này một mặt Chính phủ đã có chủ trương như đối với lúa gạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp cấp tốc mua 1 triệu tấn gạo để tạm trữ, để hỗ trợ giữ giá cho nông dân. Mặt khác Chính phủ cũng chủ trương chỉ đạo ngành ngân hàng tăng cường cung cấp tín dụng cho nông dân để nông dân không phải bán vội lúa để trả nợ cho ngân hàng cũng như mua các loại vật tư cho vụ tiếp theo, duy trì đàn gia súc của mình. Mặt khác Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ các loại nông sản cho bà con nông dân, như vậy giữ giá cho nông dân.

Nhưng đấy là giải pháp trước mắt, chúng ta cần có những giải pháp lâu dài, những giải pháp lâu dài đó nằm ở trong đề án tái cơ cấu. Một mặt chúng ta hỗ trợ cho nông dân trực tiếp nhưng mặt khác cũng cần phải có những đầu tư vào những nhiệm vụ có tính chất lâu dài và căn cơ của ngành như nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, trong đó đặc biệt là nâng cấp và cải tiến các loại giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nông dân để áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất giảm giá thành và nâng cao chất lượng của sản phẩm và tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để giúp cho nông dân sản xuất ổn định và có hiệu quả.

Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Nguyễn Quân trả lời về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và công nghệ, trong đó có phân bón, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề Thuỷ điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6a, vật tư nông nghiệp...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất