Chiều 11-6, Quốc hội làm việc ở Hội trường thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng dân tộc giám sát 1-3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát từ 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát dựa trên các tiêu chí cơ bản: những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; không trùng các chuyên đề trong chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian gần đây; đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến giao chủ trì giám sát.
Tính đến ngày 1-4 vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã nhận được 207 nội dung kiến nghị từ 76 cơ quan cần xin ý kiến. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành giám sát tại hai kỳ họp trong năm 2014 là: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thủy điện (Giao Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì thực hiện). Chuyên đề 2: Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (Giao Ủy ban kinh tế chủ trì thực hiện). Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 (Giao Ủy ban về các vấn đề xã hội chủ trì thực hiện).
Đã có 9 đại biểu Quốc hội đăng ký và phát biểu ý kiến. Ý kiến của các vị đại biểu đều tán thành với nội dung Tờ trình dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 và cho rằng tờ trình đã được chuẩn bị kỹ và cũng đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Một số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội làm rõ thêm các nội dung trong tờ trình và đề xuất thêm những vấn đề cần quan tâm giám sát như là việc giám sát ban hành hướng dẫn thi hành luật, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát về bản sắc văn hóa dân tộc, lĩnh vực ngân hàng và tờ trình cần nghiên cứu để làm rõ hơn, nên có bản thuyết minh kèm theo.
Về cách thức tiến hành giám sát, theo Luật Hoạt động giám sát.
Về số lượng chuyên đề giám sát, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao trong năm 2014, Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp, cơ quan Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại các phiên họp. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban nên giám sát từ 1 đến 2 chuyên đề và báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Về chuyên đề giám sát của Quốc hội, đa số ý kiến của các đại biểu đều nhất trí tập trung ở 2 chuyên đề: chuyên đề 2 và chuyên đề 3.
Đại biểu cũng có ý kiến về tên gọi chuyên đề, chuyên đề giám sát nên xác định lại cho rõ hơn, góp ý về thời gian giám sát cần phân bổ làm sao cho hợp lý. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội góp ý về số lượng cũng như nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu có đề xuất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên giám sát về những vấn đề có liên quan như công trình thủy điện, đối phó với biến đổi khí hậu, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân, nợ xấu, hàng tồn kho, cải cách thủ tục hành chính, v.v.
T.H