Ngày 12-10, Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng và Lãnh đạo Vụ Địa phương 3 Ban Tổ chức Trung ương đã làm việc với Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ và trường Đại học Cần Thơ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tình hình, kết quả thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và sử dụng nhân tài...
Tại Ban Tổ chức Thành uỷ Cần Thơ, đồng chí Lê Thanh Hài, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, đồng chí Đinh Công Út, Phó trưởng Ban, phụ trách bảo vệ chính trị nội bộ và lãnh đạo các phòng chuyên môn của Ban Tổ chức Thành uỷ đã trao đổi với đoàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về tình hình, kết quả thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và sử dụng nhân tài; bố trí cán bộ chủ chốt các cấp không phải là người địa phương; giới thiệu những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Nét mới đang được Thành uỷ chủ trương nhân rộng là xã hội hoá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức an ninh, quốc phòng đến các chức sắc tôn giáo ở địa phương.
Đoàn đã trao đổi với Ban Tổ chức về chế độ, chính sách cho cán bộ luân chuyển. Trong đó, theo Ban Tổ chức Thành uỷ, vấn đề nhà công vụ cho cán bộ luân chuyển là vấn đề khó khăn nhất hiện nay ở Cần Thơ.
Tại Đại học Cần Thơ, đồng chí Lê Việt Dũng, Thường trực Đảng uỷ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, đồng chí Lê Phi Hùng, Phó bí thư Đảng uỷ, Trưởng phòng tổ chức và các đồng chí trong Đảng uỷ Nhà trường đã trao đổi với Đoàn về nội dung đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài.
Trường Đại học Cần Thơ là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Để phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao, trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng khoa, bộ môn, cá nhân về nhu cầu tuyển dụng cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; đồng thời ban hành các văn bản quy định làm cơ sở để các đơn vị, từng cá nhân có định hướng xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện phấn đấu. Theo kế hoạch đến năm 2015, trường có 85% giảng viên có trình độ sau đại học (40% tiến sỹ, 45% thạc sỹ) và đến năm 2020 có 95% giảng viên có trình độ sau đại học (75% tiến sỹ, 20% thạc sỹ).
Trường chú trọng phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng sinh viên ưu tú sau khi tốt nghiệp ở lại trường tham gia công tác giảng dạy và quan tâm chế độ đãi ngộ. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường cũng chia sẻ với Đoàn những khó khăn và những kinh nghiệm trong thu hút nguồn nhân lực, nhân tài trong nước cũng như ngoài nước về giảng dạy, thỉnh giảng tại Trường.
Trường đã ban hành các quy định “Tuyển dụng và yêu cầu về tiến trình phấn đấu nâng cao trình độ đối với giảng viên”, “Trình tự, thủ tục và công tác quản lý trong đào tạo cán bộ”; khuyến khích cán bộ, giảng viên, nhân viên tự học nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trường thực hiện phân cấp cho các đơn vị trực thuộc trong xét chọn, cử người đi đào tạo từ thạc sỹ trở xuống; mở lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ nguồn để đáp ứng yêu cầu trình độ ngoại ngữ khi đi học tập ở nước ngoài. Bình quân hằng năm Trường cử đi đào tạo, bồi dưỡng gần 900 lượt cán bộ, viên chức (thạc sỹ 80, tiến sỹ 40). Giai đoạn 2005-2011, Trường đã cử đi đào tạo trong nước được 472 người, ngoài nước 343 người.
Trường đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế đào tạo để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua Dự án đào tạo nguồn nhân lực sau đại học cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Chương trình Mê-kông 1000). Tính đến tháng 8-2011, Chương trình Mê-kông 1000 đã có tổng cộng 556 ứng viên chính thức được các địa phương tuyển chọn. Phần lớn các ứng viên là những sinh viên mới ra trường và lực lượng cán bộ trẻ. Hiện nay đã có 374 ứng viên được đi học.
Trường còn giúp phát triển nguồn nhân lực cho hai nước bạn Lào và Căm-pu-chia, chia sẻ đội ngũ nhân lực cho các trường đại học mới thành lập. Hướng đào tạo tới, trường sẽ giảm số lượng sinh viên đại học, tăng số lượng học viên sau đại học.
Những năm qua, Trường phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Thành uỷ Cần Thơ trong công tác xây dựng đảng, đặc biệt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát triển đảng viên trong sinh viên.
Lan Phương