Đồng chí Tô Huy Rứa dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020
Quang cảnh Đại hội.

Sáng 27-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc trọng thể. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.

Dự Đại hội có các đồng chí: Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Văn Quynh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Mai Thế Dương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đinh Văn Cương, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an… cùng 343 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 84 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII do đồng chí Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày tại Đại hội, nêu rõ: Nhiệm kỳ 2010-2015, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra đều đạt và vượt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao, đứng ở tốp đầu của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Tình hình thu ngân sách nhà nước, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều tăng trưởng mạnh; nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị được tăng cường đầu tư, nhất là về hạ tầng giao thông; hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện đáng kể; hạ tầng thuỷ lợi và công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư đảm bảo. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được coi trọng...

Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên có nhiều cách làm mới, năng động, sáng tạo; quá trình chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm và tìm ra một số khâu đột phá phát triển, nên đã tạo được bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu....

Sau khi đề nghị Đại hội thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, yếu kém để có hướng khắc phục, đồng chí Tô Huy Rứa chỉ đạo: Trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh giải quyết những khó khăn, thách thức mới do tác động của bối cảnh quốc tế cũng như trong nước, tỉnh Thái Nguyên cũng có rất nhiều thuận lợi, cơ hội để bứt phá, vươn lên, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã nêu trong Báo cáo chính trị, xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững. Trên tinh thần đó, cần tập thảo luận về các vấn đề sau:


Một là, Đảng bộ cần nhận thức đúng về tình hình và bối cảnh chung, xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, lựa chọn khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước tiến bộ mới phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; lựa chọn tiếp nhận các dự án đầu tư khi quy hoạch đã bảo đảm. Coi trọng việc liên kết vùng nhằm tạo động lực phát triển mới; xác định rõ vai trò, vị trí của Thái Nguyên trong vùng Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo nguồn thu ngân sách lớn, thu hút nhiều lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn tới, cần ưu tiên các loại hình công nghiệp mũi nhọn công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, thông tin, truyền thông, công nghệ tự động hóa, sản xuất điện, vật liệu xây dựng, chế biến sâu các kim loại quý… Gắn kết công nghiệp địa phương với công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp Sông Công, Yên Bình, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên… Quản lý tốt vấn đề môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ cao, xanh và sạch; đồng thời có định hướng hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung cung cấp cho các khu công nghiệp, chế biến nông sản và phát triển các làng nghề truyền thống. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng và thương hiệu chè Thái Nguyên; tạo chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ chè. Phát triển nhanh các dịch vụ đô thị và dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, giữ vững thành tích là đơn vị có phong trào giáo dục mạnh, tốp đầu của cả nước. Không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nâng cao y đức, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc. Quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn vùng dự án. Thực hiện tốt chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp; các chế độ chính sách đối với người có công, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Ba là, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ tại các khu công nghiệp, nơi có đông công nhân làm việc và sinh hoạt. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện. Triển khai sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phải căn cứ vào tình hình cụ thể của Đảng bộ để xác định mục tiêu, nội dung xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ phải thật sự gương mẫu đi đầu trong rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống, nói đi đôi với làm, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trọng tâm là việc tiếp tục sửa chữa, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ rõ trong kiểm điểm; gắn quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể, đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tạo sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất