Ngày 22-12- 2010, tại hội nghị thông báo với Đoàn Ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam về việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Phạm Xuân Sơn cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào tháng 1-2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Gần 1.400 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên thuộc 54.000 tổ chức cơ sở đảng sẽ dự Đại hội.
Ngoài số lượng phóng viên trong nước, sẽ có hơn 150 phóng viên nước ngoài đến từ các hãng thông tấn, các cơ quan báo chí quốc tế đưa tin về Đại hội.
Trong 9 ngày, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (nhiệm kỳ 2011-2015), cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội.
Toàn thể đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.
Trên cơ sở ý chí thống nhất và quyết tâm cao của toàn đảng, toàn dân, toàn quân trong quá trình thảo luận và xây dựng các văn kiện trình Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định chủ đề của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Mục tiêu giai đoạn 5 năm 2011-2015, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 7-8%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 2.100 USD vào năm 2015, gấp 1,7 lần năm 2010.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Phạm Xuân Sơn khẳng định với các vị đại sứ, đại biện, trưởng, phó các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Việt Nam kiên định con đường phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần xã hội; phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển và từng chính sách phát triển, bảo vệ môi trường, chăm lo an sinh xã hội...
Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Nguồn: TTXVN