Ngày 6-10, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương đã tổ chức tọa đàm góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương chủ trì cuộc toạ đàm.
Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Văn Phúc, Phạm Văn Linh, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các nhà khoa học và đại diện các cơ quan đảng Trung ương.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Phùng Hữu Phú nêu rõ: Đại hội XI của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng và đất nước. Các văn kiện trình Đại hội đã được Trung ương công bố rộng rãi để tập hợp, phát huy trí tuệ của toàn dân, toàn xã hội, đảm bảo các văn kiện thật sự là kết tinh trí tuệ, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân. Các ý kiến đóng góp của các đồng chí đã và đang công tác tại các cơ quan Đảng Trung ương có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung góp ý những nội dung liên quan đến công tác xây dựng đảng được nêu trong dự thảo các văn kiện.
Góp ý tại buổi tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao và hoan nghênh Trung ương chuẩn bị các dự thảo văn kiện công phu, chu đáo, nghiêm túc, thể hiện sâu sắc lý luận và thực tiễn và công bố để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất những nội dung cơ bản thể hiện trong các dự thảo văn kiện. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thống nhất nhận định: Khi các dự thảo văn kiện được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tầng lớp nhân dân đã hết sức quan tâm, tham gia thảo luận, góp ý. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, có tầm trí tuệ cao, thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm cao của nhân dân đối với công tác xây dựng đảng, với các văn kiện của Đảng. Các đại biểu bày tỏ mong muốn những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên nhân dân đối với Đại hội sẽ được tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ. Một số đại biểu mong muốn văn kiện tập trung đánh giá, phân tích thẳng thắn, sâu sắc các vấn đề bức xúc nhất của đời sống xã hội hiện nay và nêu những giải pháp đột phá, vừa để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, vừa để khắc phục có hiệu quả những vấn đề nóng bỏng trước mắt.
Với tinh thần dân chủ, ý thức trách nhiệm cao, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý kiến vào các nội dung: Đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; mục tiêu và phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; định hướng xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế bền vững; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; vấn đề dân chủ trong Đảng; chống quan liêu, tham nhũng, phát triển giáo dục, đào tạo...
Về công tác xây dựng đảng, nhiều ý kiến đã đóng góp cụ thể về các nội dung: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phương hướng xây dựng Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng bộ máy nhà nước; vấn đề dân chủ trong Đảng, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu, chống quan liêu, hình thức, chống tham nhũng, lãng phí; quan tâm đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Đề cập đến vấn đề tham nhũng, đồng chí Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng: Việc gì thì cũng làm từ dưới lên, nhưng tham nhũng thì phải làm từ trên xuống, không phải vì trên tham nhũng nhiều hơn mà vì trên trong sạch thì mới kiểm tra cấp dưới có hiệu quả. Để đẩy lùi tham nhũng, đồng chí kiến nghị, cơ quan chống tham nhũng nên là cơ quan của Quốc hội và không phải do thủ trưởng các cơ quan hành pháp đứng đầu như hiện nay. Mặt trận và các đoàn thể chính trị nên được Quốc hội phân bổ ngân sách để có khả năng thực hiện một cách độc lập chức năng phản biện một số chủ trương chính sách của Chính phủ.
Vấn đề đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và cho rằng: Tình hình giáo dục hiện nay cần chấn chỉnh, củng cố, ổn định, lấy lại niềm tin của nhân dân vào nhà trường vào ngành giáo dục. Theo GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nền giáo dục của chúng ta hiện nay chưa phát triển theo đúng nghĩa xây dựng xã hội học tập, tức là xây dựng một xã hội coi việc học tập suốt đời như một nguyên tắc cơ bản. Nhà trường đang mở ra ồ ạt nhưng cơ hội để cho học sinh theo học lại không tương xứng. Góp ý về vấn đề này, GS.VS. Phạm Minh Hạc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương cho rằng, văn kiện nên có một số chỉ tiêu chiến lược cụ thể như: Đến năm 2020 xây kiên cố đủ trường, lớp theo đúng chuẩn quốc gia; từng bước (1/4, rồi 1/3, rồi 1/2, rồi 100% trường, lớp) đủ trang thiết bị dạy học theo chuẩn vùng, khu vực, quốc gia; đủ (về số lượng, cơ cấu ở tất cả các vùng miền) thầy cô giáo, cán bộ quản lý đạt chuẩn cả tay nghề lẫn đạo đức nhà giáo; đủ sách, tài liệu dạy và học theo chuẩn hiện đại hóa. Nhà nước lo đủ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó khăn, con em các gia đình chính sách.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Phùng Hữu Phú hoan nghênh tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trí tuệ cao của các đại biểu. Đồng chí khẳng định, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương tập hợp, chuyển đến các Tiểu ban chuẩn bị nội dung của Đại hội, góp phần bổ sung, nâng cao chất lượng các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Trong thời gian tới, Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm để lấy ý kiến đóng góp của các cán bộ khoa học đang công tác tại các ban, các cơ quan sự nghiệp của Đảng đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI.
Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN