Ngày 1-2, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí bí thư, phó bí thư thường trực các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung – Tây nguyên, các thành viên của Tổ Biên tập Đề án và đại diện lãnh đạo Vụ Địa phương II, Ban Tổ chức Trung ương.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những vấn đề về tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, quan liêu… trong đội ngũ cán bộ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ; bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả, là gánh nặng lớn cho ngân sách Nhà nước; đội ngũ cán bộ tuy đạt được những thành tựu nhưng chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, đòi hỏi Đảng ta phải sớm có Nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là vấn đề lớn, vấn đề khó, phải tìm ra cái mới, khâu đột phá, giải pháp khả thi nên cần các đại biểu đóng góp ý kiến xác thực vào Đề án này. Đồng chí gợi mở một số nội dung cần tập trung thảo luận, góp ý cho Đề án.
Tại Hội nghị, ý kiến phát biểu thảo luận của 15 đồng chí bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung – Tây nguyên thống nhất cao sự cần thiết, quan trọng của việc xây dựng Đề án này. Dự thảo đã chuẩn bị công phu, sát với tình hình hiện nay, khoa học, có nhiều điểm mới; đã phân tích chỉ rõ những hạn chế, đưa ra những giải pháp mới để khắc phục; đã đề cao phát huy dân chủ, vai trò giám sát của nhân dân; tính toán kế thừa kinh nghiệm hay của quốc tế; thống nhất với quan điểm, mục tiêu, các giải pháp đột phá như trong dự thảo Đề án…
Một số ý kiến cần đánh giá rõ hơn nữa thực trạng đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là những tồn tại, hạn chế, yếu kém, trong đó hạn chế về trình độ, năng lực, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ hiện nay; cần phân tích rõ hơn về số lượng cán bộ, hiện nay số lượng cán bộ nhiều nhưng năng suất, hiệu quả làm việc thấp; công tác cán bộ còn chậm đổi mới; chậm sửa đổi các văn bản; nhiều chủ trương đề ra chưa được hướng dẫn tổ chức thực hiện; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo còn thấp; công tác luân chuyển cán bộ cần rút kinh nghiệm nhiều mặt; cần có giải pháp mới về công tác đánh giá cán bộ, phải có thước đo thực đức, thực tài; sớm xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực; có giải pháp xử lý triệt để những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; cần dự báo năng lực cán bộ trong tình hình mới, yêu cầu hội nhập sâu rộng; cân nhắc chuyện ưu tiên cán bộ trẻ, vì nếu không chặt chẽ thì dẫn đến cán bộ chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, bổ nhiệm thần tốc….Cần làm rõ cán bộ chủ chốt là những chức danh nào; nên thiết kế riêng nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị, có giá trị về thực tiễn đối với Đề án. Đồng chí đề nghị các đồng chí bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung – Tây nguyên cần tiếp tục có các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); các văn bản quy định không phù hợp với thực tiễn hoặc chưa có quy định thì mạnh dạn làm thí điểm; những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cụ thể, theo quan điểm đổi mới và phát triển. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị để hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Lê Hữu Vinh