Tại Hà Nội, Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì; thành phần tham dự là vụ trưởng (trưởng ban) tổ chức cán bộ các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia, đại diện lãnh đạo vụ IV (Ban Tổ chức Trung ương) và các thành viên Tổ Biên tập Đề án.
Đ/c Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị.
Để triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án này trình Hội nghị Trung ương 7 (tháng 5-2018) trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đến ngày 15-1-2017, có 68/68 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và 60 ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương tiến hành tổng kết và gửi báo cáo về Trung ương. Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng Dự thảo Báo cáo tổng kết và Dự thảo Đề cương chi tiết Đề án để triển khai lấy ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương qua các thời kỳ, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và các nhà khoa học trong cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), đến nay có thể khẳng định chính sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ trong thời gian qua và những năm tiếp theo là kết quả của sự quan tâm, chăm lo của Đảng trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược cán bộ; đất nước có được cơ đồ và vị thế như hôm nay chính là có sự đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đội ngũ cán bộ chúng ta.
Tuy nhiên, trước nhiệm vụ mới, tình hình mới, đòi hỏi Đảng ta phải sớm có Nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Với tinh thần đó, đồng chí đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu, đi sâu trao đổi, thảo luận, thẳng thắn, nhất là nội dung đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ qua 20 năm tực hiện Chiến lược cán bộ; đánh giá về ưu, khuyết điểm, chỉ rõ những nguyên nhân những hạn chế, bất cập và yếu kém; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng chạy chức, chạy quyền. Về phương hướng, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030 và những năm tiếp theo nêu trong Dự thảo Đề án đã quán triệt đầy đủ các quan điểm, nguyên tắc chung của Đảng, đã bao quát được yêu cầu, nhiệm vụ của việc xây dựng Đề án chưa để tham gia nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Đề án.
Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đều đồng tình và đánh giá cao ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp thiết của việc xây dựng Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Đề cương Đề án được chuẩn bị khoa học, nghiêm túc, toàn diện, đề xuất được nhiều nội dung mới về mục tiêu, quan điểm, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Đồng thời thảo luận sâu về Bố cục Đề án, đối tượng nghiên cứu của Đề án, về đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, cơ chế kiểm soát quyền lực, về phương hướng, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Một số ý kiến cần đánh giá rõ, cụ thể hơn nữa về kết quả, nhất là nhưng tồn tại, hạn chế; nguyên nhân những tồn tại, hạn chế sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII).
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao các ý kíến góp ý tại hội thảo. Đồng chí yêu cầu các đồng chí Tổ Biên tập Đề án tổng hợp, tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu để tham mưu xây dựng Đề án đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất.
* Tại TP Đà Nẵng, Hội nghị do đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì. Dự hội nghị các đồng chí trưởng ban, phó trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đ/c Hà Ban chủ trì Hội nghị tại Đà Nẵng.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hà Ban nhấn mạnh những kết quả to lớn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và sự cần thiết phải có nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới. Đồng chí đề nghị các đại biểu bám sát các yêu cầu của Hội nghị để góp ý Dự thảo Đề án đạt hiệu quả cao.
Tại Hội nghị đã có 17 ý kiến đóng góp. Các ý kiến góp ý tại hội thảo thống nhất cao việc Dự thảo Đề án được chuẩn bị tương đối kỹ, nghiêm túc, gắn với việc tham khảo, nghiên cứu với nhiều đề tài, kết quả của các địa phương. Các ý kiến tại hội nghị tập trung phân tích làm rõ hơn những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của tồn tại, hạn chế sau 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ; về bố cục, đối tượng, các trọng tâm của Đề án; nội dung đột phá để tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược; phương hướng, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030 và những năm tiêp theo.
Các ý kiến tham luận đã được đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Tổ Biên tập tiếp thu, để hoàn thiện Đề án.
* Tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Các đồng chí đại diện Tổ Biên tập xây dựng đề án; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Địa Phương 3 (Ban Tổ chức Trung ương) và đại diện lãnh đạo 22 ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam tới dự.
Đ/c Mai Văn Chính chủ trì Hội nghị tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu bật kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và nhấn mạnh sự cần thiết Đảng ta phải sớm có nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Gợi ý thảo luận, đồng chí Mai Văn Chính đề nghị các đại biểu đi sâu trao đổi, đóng góp vào dự thảo Đề án theo từng vấn đề cụ thể, như: Bố cục đề án; tính cấp thiết và các căn cứ để xây dựng đề án; đối tượng nghiên cứu của đề án; việc đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém; phương hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp; việc xác định giải pháp trọng tâm nhằm tạo sự đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... Trong đó cần làm rõ những nội dung nêu ra trong Dự thảo Đề án đã quán triệt đầy đủ các nguyên tắc chung của Đảng, đã bao quát được yêu cầu, nhiệm vụ của việc xây dựng đề án chưa? Có tạo được sự đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược? Có khả năng thích ứng với điều kiện mới chưa? Giải pháp nào tạo đột phá, chuyển biến tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới?
Sôi nổi phát biểu tham luận, đại diện lãnh đạo ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy nhất trí cao về tính cấp thiết của việc xây dựng đề án, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là yêu cầu phải khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thống nhất cao về bố cục và 5 nội dung đã nêu trong dự thảo đề án. Nhiều đại biểu đề nghị, đối tượng của đề án tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung làm rõ hơn về nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trong đó có nguyên nhân do nguyên tắc tập trung dân chủ không được phát huy triệt để; chưa phát huy tốt vai trò của tập thể trong bổ nhiệm cán bộ. Về quan điểm chỉ đạo, một số đại biểu đề nghị, đi đôi với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cần phải mở rộng dân chủ để thu hút người tài, lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của nhân dân đối với cán bộ. Về mục tiêu, nhiều đại biểu đề nghị đề án cần cụ thể hóa một số mục tiêu phấn đấu ngắn hạn, bảo đảm sát với tình hình thực tế, nhất là một số chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số…
Các ý kiến tham luận đã được đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Tổ Biên tập tiếp thu, để hoàn thiện đề án trước khi trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Thanh Xuân, Hữu Vinh và Thành Sáng