Chiều 27-12, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam: Lý luận - thực tiễn”. Đoàn Chủ trì Hội thảo gồm: GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS. Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu, nhà khoa học các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường đại học trên cả nước.
|
Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo.
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong phong trào cách mạng Việt Nam, chưa có thời kỳ nào xuất hiện chủ nghĩa cơ hội với tư cách như một lực lượng hay một phong trào có khả năng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cách mạng. Tuy nhiên, cơ hội chính trị - một trong những biểu hiện nguy hiểm của chủ nghĩa cơ hội đã xuất hiện trong tiến trình cách mạng, là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức và bản thân mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên. Nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị là một nhiệm vụ rất cấp bách, một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn chặt với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
|
GS, TS. Lê Văn Lợi phát biểu tại Hội thảo.
|
Hiện nay, Đảng hết sức coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng, được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm thanh lọc, loại bỏ những thành phần tha hóa, biến chất, suy thoái ra khỏi hàng ngũ của Đảng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa khỏi những âm mưu, thủ đoạn phá hoại từ bên trong của các thế lực thù địch, phản động.
GS, TS. Lê Văn Lợi khẳng định, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học thảo luận một cách sâu sắc, cụ thể và toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay. Từ đó xác định những vấn đề đặt ra, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả việc đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở nước ta trong thời gian tới.
Hội thảo đã nhận được 72 tham luận của các nhà khoa học từ các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường đại học trong cả nước.
Các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề: Cơ sở lý luận và thực tiễn về nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị; thực trạng đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị hiện nay; cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian tới; đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tăng cường nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị; những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị trong thời gian tới
|
PGS, TS. Mai Đức Ngọc phát biểu kết luận tại Hội thảo.
|
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS, TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học tại Hội thảo. Đồng chí Mai Đức Ngọc khẳng định: Những ý kiến tham luận, các bài viết và sự quan tâm của các nhà khoa học sẽ cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra đối với việc nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở quan trọng để Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan lãnh đạo, quản lý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam một cách có hiệu quả trong thời gian tới.
Diệp Chi