Hội thảo quốc tế về mua sắm công và hợp tác công tư
Đại sứ I-ta-li-a tại Việt Nam phát biểu
Sáng 26-3, tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Đề án 165 phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Rô-ma và Đại học Kinh tế Bo-co-ni Mi-lan (I-ta-li-a) tổ chức Hội thảo quốc tế Về mua sắm công và hợp tác công tư (Public Procurement - Publice and Private Partnership)
Về phía I-ta-li-a có sự tham dự của GS. E-li-o Bor-go-no-vi và GS. Mar-co Me-ne-gu-zô; ngài Lo-ren-zo An-ge-lo-ni, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa I-ta-li-a tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam có các đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Đề án 165; Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các học viện, trường đại học trong cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quynh khẳng định: Mua sắm công và hợp tác công tư là 2 chủ đề đã được các quốc gia phát triển nghiên cứu, đánh giá cao về giá trị thực tiễn và đang được quan tâm tại Việt Nam. Mong rằng qua cuộc Hội thảo này, các đại biểu sẽ tham khảo được những nội dung mới, nhận thức mới trong quản lý kinh tế, qua đó nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Với thời gian 1 ngày, gần 500 đại biểu dự Hội thảo đã được nghe hai giáo sư đầu ngành thuộc lĩnh vực hành chính công của Cộng hòa I-ta-li-a giảng về mua sắm công và hợp tác công tư. Buổi sáng, các đại biểu được nghe GS. E-li-o Bor-go-no-vi giảng về mua sắm công gồm các nội dung: Tầm quan trọng và khung pháp lý của mua sắm công; các chủ hợp đồng tiến hành mua sắm như thế nào; mua sắm điện tử; tập trung hóa mua sắm công; khuynh hướng chiến lược về mua sắm công trong Liên minh châu Âu (EU)... Buổi chiều, các đại biểu được nghe GS. Mar-co Me-ne-gu-zô giảng về hợp tác công tư. GS đã đem đến cho người nghe khái niệm chung về hợp tác công tư (PPPs); tính bền vững về tài chính của PPPs; PPPs trong thực tế; kinh nghiệm của I-ta-li-a trong lĩnh vực PPPs và những gợi ý khi kinh tế Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Sau buổi thuyết trình của các GS, nhiều câu hỏi đã được phía Việt Nam nêu ra để trao đổi nhằm hiểu rõ hơn những vấn đề về mua sắm công, về hợp tác công tư trên thế giới, kinh nghiệm của I-ta-li-a  và từ thực tiễn Việt Nam. Hội thảo đã đem lại những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích và có giá trị tham khảo và thực tiễn tốt.
Được biết, GS. E-li-o Bor-go-no-vi hiện là Giám đốc Học viện Hành chính công và chăm sóc sức khỏe Bo-co-ni. Là GS đầu ngành của I-ta-li-a trong các lĩnh vực hành chính công, chính sách công, kế toán công, cải cách trong hành chính công và y tế cộng đồng; đồng tác giả của hơn 250 dự án nghiên cứu tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu; là chủ tịch hoặc thành viên tích cực của hơn 100 ủy ban, nhóm nghiên cứu, hội đồng đánh giá bang, các tổ chức y tế và chăm sóc sức khỏe, các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước. GS đã giám sát và hướng dẫn cho hơn 300 sinh viên theo học nghiên cứu sinh, tiến sỹ, giáo sư.
GS. Mar-co Me-ne-gu-zô là giảng viên sau đại học, đại học, cố vấn cấp nhà nước và cấp quốc tế, chuyên gia trong dự án quốc tế về hỗ trợ kỹ thuật phát triển chuyên ngành hành chính công và quản lý. GS cũng là giảng viên những trường đại học và trung tâm đào tạo khác của I-ta-li-a.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất