Hội thảo Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa
C

Các đại biểu đồng chủ trì Hội thảo.

Đồng chủ trì điều hành Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng khoảng 800 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, hội, hiệp hội và các đại biểu quốc tế…

Đại biểu quốc tế có ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cùng dự.

Hội thảo diễn ra trong 1 ngày với 800 đại biểu tham dự trực tiếp; đồng thời, Ban Tổ chức phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội, trên nền tảng truyền hình Quốc hội và kết nối đến một số cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật. Có khoảng 2.000 đại biểu theo dõi trực tuyến qua 10 điểm cầu. Có 10.000 người theo dõi Hội thảo qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội và website chính thức của Hội thảo; có trên 30.000 người theo dõi trên nền tảng trực tuyến và khoảng 200.000 người tiếp cận trên nền tảng số.

Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

y viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội thảo Văn hóa 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc tại Hội thảo Văn hóa 2022.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo Văn hóa 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đã luôn chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tế trong nước và tình hình thế giới, trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc.

Hội thảo sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Từ đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Phát triển văn hoá bắt đầu từ người dân, nhân dân là trung tâm

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hóa trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hòa nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, các vùng miền và các địa phương trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Muốn hiện thực hóa yêu cầu nói trên, các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đất nước, đó là: Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế; kết nối giữa truyền thống và hiện đại; phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận, gồm: Bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa; đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa; chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa…

* Hội thảo được tổ chức theo 2 phiên: Phiên chuyên đề buổi sáng và phiên toàn thể buổi chiều, với 3 nhóm nội dung thảo luận chính: Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa.

Trong phiên chuyên đề, các đại biểu đã tập trung trình bày tham luận về chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; thực trạng và giải pháp về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; đánh giá tình hình triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hoá từ năm 2016 đến nay.

Các tham luận cũng tập trung vào các nội dung định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp âm nhạc và điện ảnh tại TP. Hồ Chí Minh; chính sách và nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên - Huế; thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật.

Trong Phiên toàn thể, Hội thảo nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.

Hội thảo tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. 

Thể chế, chính sách phải tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

 Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, với chủ đề về thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa, Hội thảo này là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, nhân dân ta có nền văn hóa đặc sắc được kế thừa, bổ sung phát triển qua nhiều thế hệ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy, với nhiều giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết phát huy cao độ. Nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Theo Thường trực Ban Bí thư, những năm qua, đặc biệt kể từ thời kỳ Đổi mới, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan nhà nước, tham gia tích cực của mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, sự chủ động nỗ lực của ngành văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy cao độ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo.

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy văn hóa phát triển. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, thúc đẩy bảo vệ các quyền về văn hóa, phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực quan trọng này, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, vừa phải được lồng ghép trong thể chế, chính sách về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo con người có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển.

Hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời

Phát biểu tổng kết, bế mạc tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 1 ngày tổ chức khẩn trương khoa học, Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình dự kiến đề ra, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan, nhân dân và cử tri cả nước.

Hội thảo góp phần tiếp tục thấm nhuần quan điểm, thông suốt tư tưởng và xác định việc phải làm về thể chế chính sách và nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu yêu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa, để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế. Nội dung Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác thể chế hóa, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Hội thảo nhất trí đánh giá những kết quả đã đạt được; khẳng định công tác thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tiếp túc được quan tâm đạt được kết quả nổi bật.

Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số kết quả cơ bản, trong đó có từng bước khắc phục tình trạng luật khung luật ống; song song với đó các thiết chế văn hóa, bộ máy, quản lý văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chính sách văn hóa được ban hành tác động tích cực, thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa như phát triển con người Việt Nam toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa, lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa. Cùng với đó, nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa ngày càng được đảm bảo tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết, bế mạc tại Hội thảo.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chậm được thể chế. Khâu thực thi vẫn là khâu yếu. Thể chế tự chủ đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa chậm hoàn thiện. Hệ thống chính sách còn bất cập hiệu quả thấp. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chậm ban hành… Các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự tạo ra động lực phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích sự sáng tạo, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cả về nhân lực, vật lực và tài lực còn những hạn chế. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tài nguyên văn hóa nhất là di sản, các làng nghề… chưa được khai thác hết.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội thảo cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề bảo đảm thể chế và nguồn lực. Về thế chế và chính sách về văn hóa, liên quan văn hóa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá với quốc tế và tiếp thu tinh hoa. Phải bảo đảm các yêu cầu là tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.

Hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa; sửa đổi, bổ sung, khắc phục các bất cập trong các chính sách đã ban hành; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa nghị quyết Đại hội XIII, nhất là những vấn đề mới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Hội thảo cũng thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.

Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội thảo đã chỉ rõ, để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa cần phát huy đầy đủ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước. Từ đó, Hội thảo cũng đã thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung làm ngay:

Một là, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.

Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.

Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…

Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm

Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất