Trong phiên khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ họp (ảnh). Chương trình nghị sự của kỳ họp thứ sáu gồm nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010.
Hai là, thảo luận và thông qua 8 dự án luật: Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Thuế tài nguyên; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Cho ý kiến về 10 dự án luật: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Thuế nhà, đất; Luật Nuôi con nuôi; Luật Thi hành án hình sự; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người tàn tật; Luật Bưu chính; Luật Trọng tài thương mại và Luật An toàn thực phẩm.
Ba là, tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện. Xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị từ sau kỳ họp thứ năm đến nay, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Báo cáo giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các công trình quan trọng quốc gia. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.
Một điểm mới của kỳ họp này là Uỷ ban thường vụ Quốc hội không chỉ đọc Báo cáo công tác năm 2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mà đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, phê bình, góp ý kiến công khai tại Hội trường để Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Bốn là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ và các ngành Tòa án, Kiểm sát về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại của Nhà nước, tình hình quốc phòng, an ninh; quá trình và kết quả một năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; và một số báo cáo chuyên đề khác.
Năm là, xem xét, quyết định về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày nêu rõ những kết quả chủ yếu về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009: Ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng khá và tăng được nguồn lực đầu tư phát triển trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái; bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện có kết quả việc bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn; các lĩnh vực văn hoá, xã hội có bước phát triển mới trong điều kiện kinh tế suy giảm; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm đạt được những kết quả tích cực; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại nhiều hạn chế: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây; cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc; kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể, hiện vẫn là những điểm nghẽn của tăng trưởng. Môi trường kinh doanh chưa thật thông thoáng. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu lực hiệu quả còn thấp. Năng lực và kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô còn hạn chế; việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn; kết quả cải cách hành chính vẫn còn thấp. Thủ tướng nhấn mạnh: Mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2010 là Tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
Dự kiến thời gian làm việc chính thức của kỳ họp này là 32 ngày, bế mạc vào ngày 27-11- 2009.
Thu Huyền