Tại đây, đồng chí Trần Văn Sơn đã thông tin, sáng 6-9, Chính phủ tổ chức Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về: Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình giải ngân vốn đầu tư công; định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; công tác phòng chống dịch.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam
Về KT-XH, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tiếp nối đà phục hồi và phát triển, KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành.
Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022. Ngay sáng 6-9, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã nâng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ Ba3 (triển vọng tích cực) lên Ba2 (triển vọng ổn định).
Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả. Các hoạt động kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, an toàn, thiết thực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Trong đó nổi lên là: Sức ép lạm phát cao. Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm và chưa đạt mục tiêu. Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là tại vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế. Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, còn tâm lý chủ quan trong thực hiện tiêm vắc-xin...
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2022 - Ảnh: VGP.
|
12 kết quả nổi bật của KT-XH 8 tháng đầu năm 2022
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt nêu rõ 12 kết quả nổi bật trong 8 tháng vừa qua.
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân dù dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, tăng trưởng GDP quý III có thể đạt cao hơn quý II nếu không có những biến động lớn. Kết hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Thứ ba, 5 cân đối lớn được bảo đảm tốt, gồm: thu-chi ngân sách; xuất-nhập khẩu; lương thực - thực phẩm; bảo đảm đủ điện, năng lượng dù sản xuất tăng cao; doanh nghiệp phát triển nhưng cung-cầu lao động bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tốt.
Thứ tư, nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh.
Thứ năm, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điều hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 - Ảnh: VGP.
|
Thứ sáu, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150.000 doanh nghiệp.
Thứ bảy, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả.
Thứ tám, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tích cực rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cương quyết loại bỏ khâu trung gian, nhất là giảm cấp tổng cục.
Thứ chín, sau các hội nghị lớn của Chính phủ, các loại hình thị trường từng bước phục hồi, được kiểm soát, phát triển theo hướng an toàn, cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, đúng bản chất. Tỉ lệ nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục xu hướng giảm.
Thứ mười, quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, xử lý nhịp nhàng, đúng hướng, kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh.
Mười một, những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả như xăng dầu, tỉ giá, giá cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất...
Mười hai, các vấn đề khác và nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả được chỉ đạo giải quyết phù hợp, có kết quả, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô
Đồng chí Trần Văn Sơn nhấn mạnh, phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý những bài học kinh nghiệm quan trọng, trong đó nêu rõ, phải bám sát, cụ thể hóa kịp thời sự lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; càng khó khăn, phức tạp càng phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, kiên trì đường lối nhưng linh hoạt trong điều hành; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện, tổng thể, quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới phát sinh.
Cần tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua xác định, gồm: "4 ổn định" (ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội); "3 tăng cường" (tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vắc-xin COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước); "2 đẩy mạnh" (đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch); "1 tiết giảm" là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết và "1 kiên quyết không" là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.
Giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Xây dựng các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình phục hồi và phát triển KT-XH nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cương quyết cắt giảm các thủ tục rườm rà, các dự án dàn trải, điều chuyển vốn từ những dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án bảo đảm tiến độ.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương 6, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, trong đó có đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2023; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ban hành trong tháng 9 các nghị định về tổ chức bộ máy của các bộ, các ngành. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển đất nước, nâng cao vị thế đất nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, công tác phòng, chống dịch bệnh, các thành tựu phát triển của đất nước.
Ngọc Anh