Ngày 2-10, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh Hoà Bình tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh (1886-2011), 20 năm ngày tái lập tỉnh (1991-2011), khai mạc Lễ hội văn hoá cồng chiêng tỉnh Hoà Bình lần thứ I và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về dự, chia vui với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi điện hoa chúc mừng…
Cách đây 125 năm, tỉnh Hòa Bình được thành lập với tên gọi tỉnh Mường, gồm có 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ; đến ngày 05-9-1896, tỉnh lỵ được chuyển về đóng tại làng Vĩnh Diệu, xã Hoà Bình, thuộc thành phố Hoà Bình ngày nay. Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, tỉnh Hoà Bình hiện có 10 huyện và 01 thành phố, 210 xã, phường, thị trấn, với diện tích tự nhiên gần 4.600km2.
Là tỉnh có bề dầy lịch sử, cái nôi của nền “Văn hoá Hoà Bình” nổi tiếng, lịch sử phát triển hàng vạn năm, miền đất của trường ca "Đẻ đất, đẻ nước", của những lễ hội phong phú, đặc sắc. Mảnh đất Hoà Bình là nơi cộng đồng 7 dân tộc cùng sinh sống; mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, song lại có nhiều điểm chung, đậm nét của nhân dân các dân tộc miền núi, đó là: Cần cù lao động, nghị lực trong cuộc sống, đức tính thật thà và giàu lòng nhân ái, mến khách, gắn bó keo sơn trong cộng đồng, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; các cuộc chiến đấu của nghĩa quân Đốc Ngữ, Tổng Khiêm, Đốc Bang… đã ghi dấu son vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, trong đêm đen nô lệ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình phải sống cơ cực dưới 2 tầng áp bức, bóc lột của chế độ nhà Lang nghiệt ngã và ách đô hộ của thực dân Pháp xâm lược. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phong trào cách mạng trong nước dần được tập hợp và ngày càng lớn mạnh. Trên địa bàn tỉnh, từ những đốm lửa cách mạng, những cơ sở đảng đầu tiên được thành lập đã tập hợp và thắp sáng truyền thống quật cường của nhân dân trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh, phong trào cách mạng lan rộng từ chiến khu Mường Khói, Mường Diềm đến các huyện, thị xã; các đội cứu quốc quân, tự vệ vũ trang tổ chức treo cờ, rải truyền đơn, chuẩn bị sức người, sức của cùng nhân dân cả nước vùng lên đánh đuổi thực dân xâm lược, xoá bỏ chế độ Lang đạo, giành quyền làm chủ xã hội, làng bản, ruộng đất và núi rừng.
Thực hiện lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 20-8-1945 từ chiến khu Mường Khói quân khởi nghĩa rầm rộ ra cướp chính quyền ở Vụ Bản, Mãn Đức, Cao Phong và tiến ra thị xã, đánh chiếm tỉnh lỵ. Chiều ngày 23-8-1945, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị xã Hòa Bình tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình hăng hái thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập nên nhiều chiến công vang dội. Trải qua 2.600 ngày đêm chiến đấu gian khổ, hy sinh, quân và dân tỉnh Hoà Bình đã đóng góp hàng triệu ngày công với hàng vạn nhân công, hàng nghìn tấn gạo, hàng nghìn con trâu, bò, lợn, gà cho tiền tuyến... góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên “Chiến dịch Hòa Bình” lịch sử đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; chấm dứt vĩnh viễn sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên đất nước ta, mở đường cho miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà sau này.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, với tinh thần "Tất cả cho tuyền tuyến”, "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, hàng ngàn chiến sỹ, con em các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Để ghi nhận những đóng góp, những chiến công to lớn của tỉnh Hòa Bình trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng, Nhà nước đã phong tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 61 tập thể, 7 cá nhân danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động, 64 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống. Tháng 11 năm 1979, công trình thuỷ điện Hòa Bình trên sông Đà được khởi công xây dựng, đồng bào trong tỉnh đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của cho việc xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, công trình thế kỷ trên sông Đà.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ sau tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua những khó khăn của giai đoạn đầu chuyển đổi cơ chế quản lý, tạo ra những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những bước tiến bộ rõ nét; tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực được khơi dậy và phát huy hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế đạt khá với mức bình quân 7,1%/năm trong giai đoạn 1991-1995, 7,4%/năm trong giai đoạn 1996 – 2000, 8%/năm trong giai đoạn 2001- 2005; đặc biệt trong giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,14%/năm. So với năm 2005: Thu ngân sách nhà nước năm 2010 tăng gấp 4 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 2,5 lần, tổng mức doanh thu các ngành dịch vụ tăng gấp 4,5 lần; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống điện, giáo dục, y tế; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; vùng 135 và vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo phát triển văn hoá - xã hội, phát huy và giữ gìn bản sắc “Văn hóa Hòa Bình”. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, trình độ dân trí được nâng lên, tỉnh được công nhận đạt chuẩn Quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2003 và đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2005; công tác đào tạo nghề có chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 31,51% (theo tiêu chí mới); công tác giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh có tiến bộ.
Nhìn lại chặng đường 125 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình có quyền tự hào trước diện mạo ngày càng đổi mới của quê hương... Tuy nhiên, Hòa Bình vẫn còn là một tỉnh nghèo; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo ra được bước đột phá mạnh trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hiệu quả sản xuất kinh doanh trên một số lĩnh vực chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu, công nghệ và trang thiết bị còn lạc hậu; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao chưa thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Đại hội Đảng bộ Hoà Bình lần thứ XV đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 kinh tế tỉnh Hoà Bình cơ bản đạt mức phát triển trung bình của cả nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xác định: Hơn lúc nào hết phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, coi trọng và bảo vệ môi trường sinh thái. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Hòa Bình mạnh về kinh tế, phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa và ổn định về chính trị, xã hội.
Kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thêm tự hào về truyền thống cách mạng, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, đưa tỉnh Hòa Bình bước sang thời kỳ phát triển toàn diện, cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
* Sau lễ kỷ niệm là phần hội với màn trình tấu cồng chiêng “Vật báu - hồn thiêng” gồm 1.400 diễn viên tham gia. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Ghi-net màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất cho tỉnh và màn nghệ thuật “Sắc màu quê hương” do 400 diễn viên trình diễn.
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm, trong các ngày 30-9 và 1-10 có các hoạt động như: Festival văn hoá truyền thống dân tộc Mường và triển lãm nghệ thuật đương đại “Đất Mường”; hội thảo khoa học “Bảo tồn phát huy di sản không gian văn hoá cồng chiêng”; Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch; trưng bày hiện vật bảo tàng; triển lãm thành tựu KT-XH; Hội trại văn hoá ẩm thực. Trong chiều và tối ngày 2-10 là cuộc diễu hành cồng chiêng đường phố; khai mạc Liên hoan trình tấu cồng chiêng, thi Trang phục phụ nữ dân tộc và bắn pháo hoa chào mừng.
Hồng Phúc (tổng hợp)