Chiều 21-11, Học viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo: “Nhận thức mới về đối tượng, phương pháp môn học xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn hiện nay”.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Học viện, đại diện lãnh đạo và cán bộ, giảng viên các khoa, phòng của Học viện, các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực xây dựng Đảng, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Học viện.
Báo cáo đề dẫn do PGS,TS. Ngô Huy Tiếp, Phó Giám đốc Học viện trình bày khẳng định bộ môn Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là một môn khoa học, do đó phải cập nhật và nhận thức đầy đủ, toàn diện về đối tượng, phương pháp môn học.
Nhiều tham luận tại hội thảo xoay quanh và làm rõ những nhận thức mới đặt ra từ thực tiễn, như: Tính độc lập và tính khoa học của bộ môn xây dựng Đảng; Các phương pháp dạy, học và nghiên cứu chuyên ngành; Những phát triển mới về nội dung và nhận thức mới về đối tượng môn học từ góc nhìn của các nhà nghiên cứu, các cán bộ giảng dạy và người học là cán bộ lãnh đạo, quản lý các ban ngành, địa phương...
Tham luận “Các phương pháp nghiên cứu khoa học phục vụ chuyên ngành xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam” của PGS, TS. Đỗ Ngọc Ninh khẳng định: Xây dựng Đảng là một bộ môn khoa học, có cơ sở phương pháp luận, đồng thời có phương pháp đặc thù, gắn với các phương pháp liên ngành. Phương pháp luận nghiên cứu xây dựng Đảng là phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin. Phải từ những nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật mà xác định phương pháp nghiên cứu đặc thù của xây dựng Đảng.
Làm sâu sắc thêm ý kiến của PGS,TS. Đỗ Ngọc Ninh, PGS,TS. Phạm Văn Thắng xác định hệ thống các phương pháp nghiên cứu khoa học xây dựng Đảng cơ bản là: logic - lịch sử, phân tích - tổng hợp, thống kê - so sánh, tổng kết thực tiễn, hệ thống cấu trúc, điều tra xã hội học, chuyên gia… Trong đó, cần chú ý nhất đến phương pháp logic - lịch sử và tổng kết thực tiễn công tác xây dựng đảng do tính ứng dụng cao của môn khoa học này.
Với tham luận “Những nhận thức mới về đối tượng môn học Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn hiện nay”, PGS, TS. Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Học viện khẳng định nghiên cứu xây dựng Đảng phải hướng vào các quy luật, nguyên tắc, phương thức xây dựng nội bộ Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị; các lĩnh vực đời sống xã hội và toàn xã hội.
PGS. Trần Đình Huỳnh nêu, trước nay, nghiên cứu xây dựng Đảng thường dựa trên cơ sở lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng. Theo PGS, các quan điểm, chủ trương của Đảng đã và đang tác động vào đời sống thực tiễn, bản thân nó đang ngày một biến đổi, vì vậy nên xem nó là cơ sở thực tiễn chứ không phải là cơ sở lý luận trong nghiên cứu khoa học này.
Xuất phát từ vị trí người học là cán bộ lãnh đạo, quản lý, ThS. Nguyễn Thị Tuyến, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ (Hà Nội) đề xuất: Cần hoàn thiện hệ thống lý luận khoa học về xây dựng Đảng (giáo trình, tài liệu) và đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng nhu cầu đào tạo của từng cấp độ cán bộ hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực công tác đảng, nên chăng, đưa “chất vấn và trả lời chất vấn” thành một phương pháp nghiên cứu xây dựng Đảng. Có quy định cụ thể về đào tạo lý luận xây dựng Đảng, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho cán bộ, đưa tiêu chuẩn “có chuyên môn về xây dựng Đảng” trong bổ nhiệm cán bộ làm công tác đảng.
Kết luận Hội thảo, PGS, TS. Trần Khắc Việt, Giám đốc Học viện khẳng định: Hội thảo đã đề cập nhiều vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về đối tượng, phương pháp môn học xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, gợi mở nhiều vấn đề từ phía người học, người dạy cần tiếp tục tiếp cận toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời nâng tầm cho khoa học Xây dựng Đảng lên đúng vị trí của nó.