Giá có tiếp tục tăng cao?
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) về nguyên nhân tăng giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh chỉ ra những nguyên nhân: do mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta rất lớn, tác động giá ở nước ngoài vào trong nước (trong đó do nhập siêu, tác động của thiên tai, dịch bệnh; sức mua cũng tăng, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá đôla…). Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng chúng ta phải có lộ trình điều chỉnh giá để không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Vào dịp Tết nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao, giá có nhích lên. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, các địa phương tăng cường quản lý thị trường trong dịp này. Cũng theo Bộ trưởng, yếu tố quan trọng nhất - gốc của vấn đề là phải đảm bảo cung - cầu hàng hóa, không để thiếu hàng, nếu thiếu hàng sẽ xảy ra đột biến về giá. Hiện nay các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ ... ứng vốn cho các doanh nghiệp đầu mối để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Một giải pháp nữa là chính quyền kiểm soát, kiểm tra việc hình thành giá, đăng ký giá, bán hàng theo giá niêm yết trên thị trường tại địa phương mình. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải tổ chức lực lượng, nhất là lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan tài chính phối hợp tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá trên địa bàn.
Vốn cho các công trình, dự án và các tập đoàn, tổng công ty?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) về các công trình chậm tiến độ do thiếu vốn, trách nhiệm phân phối vốn của Bộ Tài chính và biện pháp để bảo đảm kế hoạch, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, việc phân bổ vốn không phải nhiệm vụ và chức năng của Bộ mà do một cơ quan khác thực hiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng việc phân bổ vốn hiện nay đối với Chính phủ chỉ giao tổng mức trong năm cho các bộ, ngành còn việc phân bổ vốn là nhiệm vụ của các bộ và các chủ đầu tư. Ở địa phương là do HĐND quyết định trên cơ sở báo cáo đề xuất của UBND phân bổ vốn cho các dự án, công trình cụ thể và chủ dự án là người phân phối vốn cụ thể. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, trước đây có tình trạng công trình chờ vốn (thiếu vốn) nhưng mấy năm gần đây, qua kiểm tra cho thấy đa phần vốn tương đối sẵn sàng. Tuy nhiên do các quy trình thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân… dẫn đến thủ tục chậm tiến độ, qua đó cũng có thể khẳng định nguyên nhân chính không phải là thiếu vốn.
Với vấn đề lập Tổng công ty quản lý vốn nhà nước để đầu tư vào các doanh nghiệp và cách quản lý hoạt động vốn của tổng công ty này như thế nào để tránh thất thoát, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, việc thực hiện Tổng công ty quản lý vốn nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được ghi trong nghị quyết của Đảng và được luật hóa. Cùng với tiến trình sắp xếp, đổi mới nâng cao hoạt động của doanh nghiệp sự ra đời của tổng công ty này là một trong những giải pháp góp phần thực hiện chủ trương đó nhằm thay đổi phương thức quản lý vốn từ hành chính can thiệp trực tiếp vào doanh nghiệp sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn. Tổng công ty này không phải đơn vị quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Vấn đề nợ, đầu tư ra ngoài ngành tràn lan của Vinashin, theo giải trình của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, khi phát hiện Vinashin có vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập tổ tái cơ cấu liên ngành, trước mắt là sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, xác định vốn điều lệ, trên cơ sở đó bổ sung vốn cho Vinashin theo quy định của pháp luật. Theo Bộ trưởng Tài chính, số vốn của Vinashin không mất hết nhưng để xác định mất bao nhiêu cần phải đánh giá một cách toàn diện. Bộ đang yêu cầu kiểm toán giá trị thực các tài sản này để xác định giá trị còn lại. Về trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Tài chính đối với Vinashin, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 có quy định công ty nhà nước được huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu… và phải tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn của mình. Bộ Tài chính có vai trò giám sát, nhưng không phải là đơn vị duyệt phương án tổ chức, đầu tư của tập đoàn.
Xây dựng nông thôn mới và chiến lược bảo vệ hàng hóa của nông dân.
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị nêu rõ vai trò tham mưu của Bộ Tài chính về việc bố trí vốn ngân sách thấp không đạt mục tiêu cho việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, tổng thể gồm rất nhiều nguồn vốn. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới đang là chương trình thí điểm tại 11 xã. Việc xây dựng chương trình cũng không phải từ một nguồn vốn riêng mà phải sử dụng tất cả các chương trình hiện đang được Nhà nước, Chính phủ thực hiện cho phát triển nông thôn mới. Bộ trưởng cho biết, trên địa bàn một xã, tùy theo vùng có rất nhiều chương trình, mục tiêu đang triển khai vốn ngân sách theo chương trình đó như chương trình 135 ở vùng núi, chương trình xây dựng trường học xóa nhà tranh, tre, lá… nên vốn phải được lồng ghép và sử dụng tổng thể các chương trình để thực hiện trên địa bàn chứ không chỉ sử dụng một vốn bố trí hiện nay trong ngân sách. Còn vốn trong ngân sách được Chính phủ chỉ đạo sử dụng trước hết là quy hoạch nông thôn, địa bàn xã, trên cơ sở quy hoạch được duyệt sẽ đầu tư triển khai các dự án, chương trình theo tinh thần quy hoạch xong đến đâu thì triển khai đến đó. Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ triển khai thực hiện xây dựng trước cơ sở hạ tầng đồng bộ kết hợp với các lĩnh vực, tiêu chí khác.
Việc được mùa mất giá, được giá mất mùa cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Để khắc phục tình trạng trên một cách có hệ thống, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, chương trình đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã được nghị quyết Trung ương khẳng định, trong đó Chính phủ cũng có chương trình hành động, có đề án phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn thông qua phát triển nông, lâm, thủy sản đang giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng. Trong đề án có cả cơ chế, chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển, hỗ trợ giá, đảm bảo không thất thoát sau thu hoạch… đang được thiết kế, thời gian tới sẽ được Chính phủ nghiên cứu sửa đổi và khi cơ chế này ban hành sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đồng tình với giải pháp chiến lược như Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu, là tập trung vào những mặt hàng lợi thế có khả năng cạnh tranh cao, khả năng tiêu thụ tốt. Bộ trưởng Cao Đức Phát còn đưa ra những giải pháp mang tính ngắn hạn như điều chỉnh quy hoạch; phân tích thông tin thị trường; hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, thông qua cung cấp tín dụng cho nông dân, cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho để tạm trữ lúa gạo… Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Thị trường không phải chỉ ở trong nước quyết định mà chịu ảnh hưởng của thị trường quốc tế nên hiệu quả cũng tùy theo từng trường hợp mà có thể ở mức độ khác nhau.
Thủy Anh