Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc

Trong nhiều năm qua, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung và MTTQ Việt Nam nói riêng đã được đổi mới, tác động tích cực vào quá trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, quá trình đổi mới chậm, còn không ít hạn chế nên chưa phát huy cao vai trò của MTTQ  trong công cuộc đổi mới. Hiện nay, nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Việt Nam đòi hỏi ngày càng phát huy cao độ mọi nguồn lực, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp chung. Do đó, Đảng phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, trong đó có đổi mới phương thức lãnh đạo đối với MTTQ.

Nhìn nhận sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ có nhiều cách tiếp cận, trong bài này là một cách tiếp cận có 4 vấn đề cơ bản cần điều chỉnh:

1. Nhận thức về phương thức lãnh đạo MTTQ

Nhận thức về phương thức lãnh đạo MTTQ của các cấp uỷ đảng cơ bản là đúng. Điều này thể hiện trong những văn bản đã ban hành của Trung ương Đảng và nhiều cấp uỷ địa phương, trong những phát biểu của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ: “Đảng định hướng và tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể xác định đúng mục tiêu, phương thức hoạt động; đồng thời, phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động của mình”. Tại Đại hội lần thứ VII MTTQ Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Muốn tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của mặt trận, trước hết Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo của mình đối với công tác mặt trận theo yêu cầu của thời kỳ mới. Phải coi sự tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những điểm mấu chốt để mặt trận tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của mình...”.

Nhưng còn không ít đồng chí lãnh đạo và cấp uỷ địa phương nhận thức chưa đúng về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ. Vì thế, đã bộc lộ một số hạn chế:

Việc ban hành những quy định cụ thể về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ các cấp còn chậm và chưa rõ.

Sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với MTTQ và các đoàn thể nhân dân có lúc, có nơi chồng chéo, lúng túng, có khi thiếu thống nhất, chưa đồng bộ. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở các cấp vẫn trùng lắp. Thẩm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa thật rõ ràng.

Cơ chế phối hợp giữa MTTQ với chính quyền, giữa MTTQ với các tổ chức thành viên có mặt còn thiếu hoặc chưa phù hợp, quá trình thực hiện hiệu quả chưa cao.

Ở không ít nơi, cấp ủy, chính quyền còn coi nhẹ công tác mặt trận. Chưa giới thiệu những cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực làm công tác mặt trận. Thiếu những chính sách, chế độ tạo điều kiện, khuyến khích, động viên cán bộ làm công tác mặt trận, nhất là ở cơ sở.

Để khắc phục những hạn chế trên, trước hết phải điều chỉnh nhận thức của lãnh đạo cấp cao và các cấp uỷ địa phương về MTTQ và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ. Trong đó, phải nhận thức sâu sắc MTTQ là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo mặt trận. MTTQ là nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng, đoàn kết, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nhiệm vụ động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước, đảng viên; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ảnh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước. Chính vì thế, công tác mặt trận liên quan đến cả hệ thống chính trị, của tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội, của công chức, viên chức cơ quan đảng, nhà nước.

2. Hoàn thiện các quy định của Đảng và những chính sách liên quan đến MTTQ

Các quy định của Đảng liên quan đến MTTQ cần được bổ sung và cụ thể hoá bằng các văn bản pháp quy của Nhà nước. Trong đó có quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ đối với các cơ quan đảng, nhà nước, cán bộ, đảng viên. Chừng nào chưa có các quy chế rõ ràng, có tính pháp quy thì thiếu cơ sở pháp lý để nâng cao vai trò của MTTQ trong công tác xây dựng đảng và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Xây dựng và thực hiện cơ chế phân bổ tài chính trực tiếp cho MTTQ theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương. MTTQ nên được phân bổ ngân sách từ Quốc hội, HĐND các cấp. Thay đổi cơ chế tài chính sẽ là một cơ sở bảo đảm MTTQ có tiếng nói khách quan. Nguồn tài chính này cần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác của MTTQ. Nên có chính sách bảo đảm hiện đại hoá cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động của MTTQ trong tình hình mới.

3. Về tổ chức của MTTQ

Kiện toàn Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trực thuộc Ban Bí thư. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của Đảng đoàn MTTQ, quan hệ công tác giữa Đảng đoàn MTTQ với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành, với đảng đoàn các tổ chức thành viên. Phân biệt rõ nguyên tắc hiệp thương chính trị trong hoạt động của MTTQ với nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của đảng đoàn và sinh hoạt đảng của đảng viên ở MTTQ.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam ở Trung ương và địa phương hiện còn thiếu hoặc chưa phù hợp nên có sự điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, cần có bước đột phá về tổ chức bộ máy nghiên cứu khoa học - đào tạo và hệ thống truyền thông. Hiện cả hai lĩnh vực công tác này của MTTQ đều yếu so với yêu cầu và so với các đoàn thể chính trị-xã hội (công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ).

4. Về công tác cán bộ của MTTQ

Đẩy mạnh hơn nữa công tác luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ về cán bộ. Trong đó, luân chuyển cán bộ đảng, chính quyền có kinh nghiệm sang làm công tác mặt trận và ngược lại. Nên có quy định cán bộ lãnh đạo mặt trận các cấp ít nhất có một nhiệm kỳ làm công tác đảng, một nhiệm kỳ làm công tác chính quyền. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng, chính quyền cũng có thời gian làm công tác mặt trận chuyên trách. Có ý kiến cho rằng, trưởng ban dân vận kiêm luôn chủ tịch mặt trận sẽ tiết kiệm được một biên chế người đứng đầu, thống nhất trong lãnh đạo. Việc này có nơi đã thực hiện nhưng không hiệu quả. Do đó, không nên áp dụng mô hình này. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để bố trí đủ số cán bộ ở cơ quan MTTQ các cấp đáp ứng nhu cầu công tác hiện nay và những năm tới.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ đã được đặt ra từ nhiều năm và trong nhiệm kỳ Đại hội X đã có những chuyển biến tích cực. Nhưng để hiệu quả hơn, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ cần được chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, có chiều sâu.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất