Chất vấn và trả lời chất vấn của bộ trưởng

1. Điện có tiếp tục thiếu và sự an toàn khi khai thác, chế biến bôxit?
Các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng 3 nhóm vấn đề: quy hoạch, xây dựng, bố trí các nhà máy điện, thiếu điện, cắt điện, thị trường điện, giá điện, truyền tải, phân phối điện; làm sao tăng được xuất khẩu, giảm nhập; tính an toàn của việc khai thác và chế biến bôxit tại Tây Nguyên, nhất là sau khi có sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hung-ga-ry.

Trả lời vấn đề về điện thời gian qua đã đạt một số kết quả, tuy nhiên tình hình thiếu điện vẫn diễn ra trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là vào mùa khô. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân là do chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu đã quy định trong tổng sơ đồ 6. Theo mục tiêu đã quy định, đến năm 2015 chúng ta phải có một năng lực các nhà máy điện được huy động đạt khoảng 50.000 MW, song con số này khó thực hiện, chỉ có thể đạt được khoảng 80%. Một số dự án tuy đã hoạt động ở giai đoạn đầu nhưng vận hành chưa ổn định, thời gian vận hành thử kéo dài. Tình hình thiên tai, hạn hán kéo dài nên việc thực hiện sơ đồ 6 chậm.

Việc vận hành hồ chứa của các nhà máy thủy điện theo nguyên tắc khi có lũ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình, khi điều tiết lũ phải tham gia vào việc giảm và cắt lũ cho vùng hạ du và yêu cầu phát điện. Theo Bộ trưởng, vừa qua có một số dự án thủy điện quy trình vận hành
chưa đúng như thủy điện sông Ba Hạ và Hố Hô ở Hà Tĩnh đang xây dựng dở dang.... Bộ trưởng hứa là sắp tới tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện nói chung, trong đó có quy hoạch thủy điện nhỏ. Về vấn đề nguời dân bị lũ, có ảnh hưởng của thủy điện, quan điểm Bộ Công thương là những người dân bị thiệt hại do lũ lụt, trong đó có phần của các nhà máy thủy điện, rất cần phải được sự hỗ trợ và nếu có lỗi của các nhà máy thủy điện thì các ban quản lý, lãnh đạo các nhà máy thủy điện trước hết có trách nhiệm.

Vấn đề xuất, nhập khẩu và nhập siêu, theo Bộ trưởng năm nay sẽ có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu (xuất khẩu sẽ tăng khoảng 23% và nhập khẩu chỉ tăng khoảng 19-20%)… Thời gian vừa qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã cùng với các bộ, ngành triển khai một số biện pháp để tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, qua đó giảm dần nhập khẩu, giảm bớt chênh lệch cán cân thương mại giữa chúng ta với Trung Quốc. Ngoài ra, phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không nên quá tập trung vào một thị trường để tránh rủi ro. Những thị trường truyền thống trước đây như Nga, các nước Đông Âu cũ, một thời gian bị xem nhẹ bây giờ đang quay trở lại và tiếp tục khai thác.

Về vấn đề bô xít, theo Bộ trưởng việc quyết định địa điểm nhà máy alumin đã được Chính phủ cân nhắc rất kỹ và đã báo cáo Bộ Chính trị. Nếu thuần túy về hiệu quả kinh tế thì đặt nhà máy alumin ở phía dưới biển có hiệu quả cao hơn so với đặt ở gần khu vực khai thác. Nhưng với dự án quan trọng quốc gia, không chỉ xem xét hiệu quả kinh tế mà phải xem xét hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, tác động lan tỏa của dự án bô xít ở Tây nguyên, trước hết đối với Tân Rai ở Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông.
Bộ chính trị, Chính phủ thấy rằng đồng bào địa phương phải hy sinh nhiều cho việc khai thác nên có nhu cầu chính đáng được hưởng những lợi ích do dự án mang lại mà trước hết là lao động, việc làm…do vậy đã quyết định đặt nhà máy chế biến Alumin tại Tân Rai, và Nhân Cơ.

Xung quanh vấn đề Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trao đổi thêm. Với tư cách là thành viên Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch điện 6, Phó thủ tướng xin nhận trách nhiệm về tình hình thiếu điện với Quốc hội, với cử tri. Theo Phó thủ tướng nguyên nhân thiếu điện là do thiếu vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng, giá điện, năng lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, kể cả một số nhà thầu nước ngoài, ý thức tiết kiệm cũng như trình độ công nghệ khi sử dụng điện còn rất lạc hậu. Và giải pháp là tập trung tháo gỡ vướng mắc các công trình đang thi công; thúc đẩy thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển điện; chấn chỉnh các chủ đầu tư và nhà thầu trong thực hiện các hợp đồng và các dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ ; tái cơ cấu ngành điện; thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường; tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng việc thủy điện và xả lũ có nguyên nhân chính: biến đổi khí hậu; do mất rừng và phá rừng rất nhiều; quy trình vận hành. Về vấn đề bôxit, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đoàn cán bộ của Việt Nam đã sang Hung-ga-ri khảo sát về vấn đề bùn đỏ, nhận thấy, công nghệ của Hung-ga-ri có từ năm 1942 còn của Việt Nam là công nghệ tiên tiến, với các công nghệ và vật liệu hoàn toàn không bị ăn mòn. Hồ bùn đỏ của Hung-ga-ri xây dựng trên nền đất yếu, dựa vào đất á sét, không có hệ thống gia cố, còn Việt Nam hệ thống á sét làm 5 lớp… Do vậy độ thẩm thấu của Việt Nam so với Hung-ga-ri gấp hơn nhiều lần và độ áp lực của ta giảm gấp 4 lần so với bạn. Việt Nam đã lường trước những sự cố và nếu xảy ra thì hoàn toàn đảm bảo được mức độ an toàn. Gần đây Bộ Công thương cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp mời các đại biểu Quốc hội, những người có liên quan khảo sát ở Tây Nguyên và theo ý kiến của Tiến sĩ, Giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường thì an toàn cho hồ bùn đỏ của nhà máy bô xit Tân Rai và Nhân Cơ không có vấn đề gì trắc trở có thể xảy ra. 

2. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, các đại biểu tập trung chất vấn về việc giảm tải các bệnh viện, nhất là tuyến trên; về phát triển công nghiệp dược, quản lý sản xuất, chất lượng, giá cả, tăng viện phí và dịch bệnh ô nhiễm trong hoạt động y tế và thực hiện các chương trình phòng, chống HIV/AISD. Trước những câu hỏi mà đại biểu quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phân tích nguyên nhân, dân số tăng nhanh nhưng bệnh viện tăng không đáng kể; chính sách ưu việt của chúng ta; nhu cầu khám chữa bệnh tăng; chất lượng điều trị ở tuyến dưới giảm, nhân dân thiếu tin tưởng cho nên thường vượt tuyến lên tuyến trên; mô hình bệnh tật thay đổi. Trước tình trạng trên, theo Bộ trưởng để giảm tình trạng quá tải bằng cách nâng cao chất lượng điều trị, giảm ngày điều trị trung bình một cách hợp lý, giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu điều trị để kê thêm giường bệnh; chống quá tải từ xa bằng nâng cao đội ngũ cán bộ y tế tuyến; phát hiện, nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh; tăng cường công tác đào tạo liên tục và công tác chỉ đạo tuyến; mở rộng loại hình điều trị ngoại trú và triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám, chữa bệnh; xây dựng thêm bệnh viện và đào tạo đủ nguồn nhân lực.

Về vấn đề chế độ, chính sách chưa đảm bảo cuộc sống cán bộ y tế, theo Bộ trưởng có 2 vấn đề: thứ nhất, phải tương quan các ngành, phải nhìn đến bộ đội biên phòng, biên cương hải đảo, cho đến những người làm trong hầm lò, chúng ta không quan trọng hóa ngành của mình. Các ngành học 4 năm, ra trường lương bậc 1 nhưng nếu học 6 năm, kết quả học tốt có thể lương bậc 2, vấn đề này Chính phủ sẽ bàn và sẽ báo cáo lại đại biểu sau. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu vừa qua , Bộ có tham mưu và Thủ tướng vừa ký chế độ, chính sách vùng miền như ba ưu tiên: vùng miền, ngành nghề, độc hại nặng nhọc và nguy hiểm…, tức là đi miền núi thì phụ cấp 70%, bên cạnh đó còn có sự động viên chính trị, các chính sách, chế độ khác nữa. Theo Bộ trưởng, một cuộc đời người thày thuốc phải có trách nhiệm đi cả miền núi hoặc nông thôn, chứ không phải từ lúc ra trường đến lúc về hưu làm ở Hà Nội, còn tỷ lệ thời gian baọ nhiêu Chính phủ sẽ quy định. Đó là những chính sách trước mắt cũng như lâu dài để duy trì bền vững cho sự phát triển của ngành y tế. Về thanh toán bảo hiểm y tế cho người bị tai nạn giao thông, theo Luật Bảo hiểm y tế thì người bị tai nạn giao thông mà không vi phạm luật giao thông thì được bảo hiểm y tế thanh toán. Bộ Y tế có đề xuất nhận phần khó khăn về mình và dành thuận lợi cho dân, tức là bị tai nạn giao thông vào thì cứ cứu chữa. Bảo hiểm thanh toán cứ trả để thanh toán, cứu chữa bệnh nhân. Sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì ai vi phạm thì phải trả. Đương nhiên có chế tài để thu hồi. Còn nếu vi phạm thì dứt khoát không được thanh toán theo luật. Xây dựng bệnh viện, trang thiết bị và đào tạo cán bộ đều phải đồng bộ. Xây dựng bệnh viện là tỉnh chủ trì, các bộ phối hợp, nhưng đào tạo cán bộ thì Bộ Y tế phải chủ trì và các tỉnh, các địa phương phải phối hợp. Vấn đề quản lý Nhà nước về giá thuốc, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cùng với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong năm qua đã tập trung khá nhiều công sức. Nếu giá tăng trung bình của 11 mặt hàng thiết yếu trong 10 tháng qua và năm 2009 là 8,6% thì giá thuốc chỉ tăng 3.2%. Còn tại sao có trường hợp một số thuốc giá tăng đột biến gây bức xúc trong dân là do có loại thuốc thị trường chưa đủ số lượng để cạnh tranh, để khống chế giá. Nước nào cũng trong tình trạng này, bởi vì 5% này thường thuộc về thuốc mới phát minh. Bộ Trưởng Nguyễn Quốc Triệu rất tán thành ý kiến là cố gắng tối đa để Việt Nam sản xuất được thuốc. Về mô hình y tế cơ sở, mô hình nào thuận lợi cho địa phương, thì Bộ ủng hộ và chung mục đích là để nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Thứ hai, là đưa các bệnh viện lớn ra khỏi Hà Nội. Về phòng chống HIV/AIDS, được sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng và trực tiếp là
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, 3 năm qua đã thực hiện được 3 giảm: giảm mắc mới, giảm người chuyển sang AIDS và giảm tử vong. Hiện nay Bộ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm phê duyệt đề án điều trị Methadon, sau khi thí điểm ở Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ra rộng rãi vào năm 2011.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất