Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản
Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương lần này, tôi thấy Bộ trưởng đã đi thẳng vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu lên và cử tri quan tâm, đó là về điện, xây dựng thủy điện; tình hình xuất nhập khẩu và nhập siêu, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; các vấn đề liên quan đến dự án bô-xít ở Tây Nguyên... Là cử tri ở Quảng Trị, nơi có nguồn tài nguyên ti-tan dồi dào tập trung ở các xã vùng cát ven biển, các mỏ đá xây dựng ở miền núi và một số điểm khai thác vàng ở huyện Ða Krông, chúng tôi rất quan tâm công tác quản lý và cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều giải pháp quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, nhất là các loại khoáng sản quý. Việc cấp phép khai thác mỏ cho các doanh nghiệp đã thực hiện đúng theo quy trình, quy định. Tuy nhiên việc giám sát hoạt động khai thác của cơ quan chức năng ở một số nơi vẫn còn lỏng lẻo. Ở Quảng Trị, tại xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), rừng cây phi lao trên cát được trồng hơn hai mươi năm nay làm nhiệm vụ điều hòa môi trường, môi sinh, chắn cát bay, cát lấp đã bị tàn phá phục vụ cho việc khai thác quặng ti-tan. Sau khi khai thác xong quặng ti-tan, một số đơn vị đã hoàn trả mặt bằng một cách nham nhở, tạo nên những hầm, hố, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cây trồng lại đều không sống nổi. Một số điểm khai thác khác, đất cát bị đào xới, ngổn ngang cùng những tạp chất mà các máy hút cát để lại ven biển, gió phơn tây nam đầu mùa thổi tung lên phủ lấp hết nương, vườn của người dân. Còn tại các điểm có vàng thuộc xã A Vao và trên sông Ða Krông, huyện Ða Krông (Quảng Trị), có hàng trăm đối tượng đến khai thác vàng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; làm sạt lở nhiều đất, đá ở các triền đồi dọc theo khe suối, dòng sông và gây mất trật tự trong khu vực. Ở xã A Vao, các đối tượng khai thác vàng dựng nhiều lán trại, sử dụng máy nổ và các phương tiện khác để khai thác... Tình hình trên đã gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân các địa phương trong những năm qua. Theo chúng tôi, để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản, cơ quan có thẩm quyền không chỉ cấp phép khai thác đúng theo quy định mà cần phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính ở mức cao để ngăn chặn vi phạm trong quá trình khai thác. Nhất là phải hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản dưới dạng quặng thô, siết chặt cơ chế quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản để giữ gìn nguồn nội lực quý giá cho các thế hệ con cháu mai sau. Nguyễn Thị Lưu (Khu phố 4, phường 1, Tp. Ðông Hà, tỉnh Quảng Trị).
Phát triển thủy điện nhỏ một cách hợp lý
Qua phiên chất vấn, trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về quy hoạch phát triển ngành điện, nhiều cử tri miền núi Yên Bái chúng tôi phần nào cảm thông, chia sẻ những khó khăn trong việc thiếu điện thời gian qua. Với các tỉnh miền núi Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng, thì tiềm năng thủy điện và triển khai các dự án thủy điện là một thế mạnh cần khai thác tốt, nhằm tăng thu ngân sách, sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh kém phát triển. Nhưng có một thực tế, đó là một số dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn đang trong tình trạng "đánh trống, ghi tên", có đăng ký dự án nhưng chậm triển khai, hoặc cố tình dây dưa về thời gian nhằm bán lại dự án cho các nhà thầu khác để kiếm lời, gây nên bức xúc trong dư luận. Hiện tại, ngoài công trình thủy điện Thác Bà đã đưa vào khai thác từ năm 1970 với công suất 108 MW, toàn tỉnh còn có hơn 20 dự án thủy điện đăng ký đầu tư, tổng công suất khoảng hơn 300MW, cơ bản nằm trên chi lưu của sông Hồng ( ngòi Thia, ngòi Hút, Nậm Ðông...) và Nậm Kim trên chi lưu sông Ðà. Khi những nhà máy này được đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh miền núi, cải thiện đáng kể cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Ðể các dự án thủy điện nhỏ hoạt động hiệu quả, cử tri chúng tôi đề nghị Bộ Công thương một mặt phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan rà soát các dự án đã đăng ký nhưng chưa triển khai; các dự án triển khai nhưng chưa hiệu quả để có kế hoạch điều chỉnh, mạnh dạn thu hồi những dự án không triển khai đã quá thời gian quy định. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang triển khai về: điểm đấu nối, giá mua bán điện, hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư ở vùng khó khăn theo các nghị quyết và chính sách của Ðảng và Chính phủ. Đỗ Thị Sinh (Tổ 62, phường Nguyễn Thái Học, Tp. Yên Bái).
Giải quyết những vấn đề bất cập trong ngành điện hiện nay
Tôi đồng tình với những ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch và tiến độ xây dựng các dự án điện quá chậm; tình trạng thiếu điện, cắt điện trong diện rộng và việc xả lũ chưa hợp lý, thiếu an toàn ở các công trình thủy điện hiện nay. Ðến nay, ngành điện cả nước đã đạt hơn 97 tỷ KW/giờ. Ðiện nông thôn đã có bước phát triển nhanh chóng, khoảng 98% số huyện và 97% số xã trong cả nước đã có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ngành điện lực hiện còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản, cung cấp điện năng và việc xả lũ ở một số hồ thủy điện chưa hợp lý đã gây bức xúc cho nhiều địa phương... Có thể nói ý kiến chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã nêu bật về công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển ngành điện lực vừa qua là chưa hợp lý; việc tăng giá điện nhiều lần trong năm và tình trạng thiếu điện, cắt điện liên tục trên diện rộng đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất của các doanh nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Vấn đề này tại tỉnh Quảng Ngãi, tôi thấy việc thiếu điện, cắt điện vừa qua cũng đã gây nhiều bức xúc cho người dân. Một số nhà máy, xí nghiệp đã sản xuất bị thua lỗ do ảnh hưởng việc cắt điện (đã có khoảng 50% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại). Vấn đề phát triển điện nông thôn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều địa phương triển khai thực hiện dự án điện nông thôn II (RE II) chậm tiến độ. Nhiều xã có dự án RE II hiện mới trả tiền đền bù cho dân (có nơi mới chôn trụ điện). Tỉnh Quảng Ngãi đến cuối tháng 10 này mới thực hiện đạt khoảng 70% khối lượng dự án RE II, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) yêu cầu tỉnh phải thi công hoàn thành tổng dự án của 51 xã và giải ngân trước 30-10-2010. Hiện có những dự án điện ở miền núi thi công không đúng tiến độ làm ảnh hưởng việc cung cấp điện sinh hoạt cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí còn gây nguy hiểm đối với người dân ở nông thôn khi sử dụng điện. Người dân mong muốn là ngành điện lực cần sớm có kế hoạch thu xếp vốn và sử dụng đồng vốn đầu tư vào các dự án điện một cách có hiệu quả; bảo đảm điện năng cung ứng và thực hiện giá bán điện sinh hoạt hợp lý để khuyến khích nhân dân sản xuất, giảm chi phí giá thành sản phẩm... Tôi cũng rất tâm đắc ý kiến chất vấn của đại biểu Ðặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về vấn đề xả lũ tại các công trình thủy điện ở miền Trung vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều hộ dân. Khi thời tiết bất lợi, có mưa, lũ lớn thì việc quản lý, điều tiết nước ở các hồ thủy điện cần có giải pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vừa qua, việc xả lũ ở một số công trình thủy điện chưa hợp lý đã gây thiệt hại đáng kể cho nhân dân địa phương là điều không thể tránh khỏi (cụ thể thủy điện sông Ba Hạ - Phú Yên là một thí dụ). Ðiều này Bộ Công thương cần chỉ đạo kịp thời công tác kiểm tra, đánh giá và xử lý toàn diện những hạn chế vừa qua; nhất thiết không để các nhà đầu tư về thủy điện tính đến hiệu quả kinh tế mà xem nhẹ những lợi ích, thiệt hại đối với nhân dân trong vùng dự án. Nguyễn Chín (Tổ 11, phường Trần Phú - Tp. Quảng Ngãi).
Về thiệt hại do việc xây dựng các công trình thủy điện
Qua theo dõi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, chúng tôi rất quan tâm vấn đề mà Bộ trưởng cũng như các đại biểu đã nêu là việc xây dựng các công trình thủy điện và những tác hại rất lớn như nạn phá rừng, lũ lụt thời gian gần đây. Chúng tôi rất đồng tình với các ý kiến của các đại biểu: Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình), Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh), Trịnh Thị Nga (Phú Yên) vì những vấn đề hết sức cụ thể, cấp bách... Tuy nhiên khi nghe ý kiến đồng chí Bộ trưởng và sau đó một số ý kiến bổ sung của Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường... chúng tôi thấy chưa thỏa đáng. Bộ trưởng nói lời xin lỗi, cảm thông, chia sẻ... trong khi những hậu quả của nó mà người dân phải gánh chịu thì vô cùng lớn. Ðương nhiên, những diễn biến phức tạp trong các đợt lũ gần đây xảy ra ở các tỉnh thuộc hạ lưu vùng ven biển miền Trung có nhiều tác động khác, nhưng không thể không nói đến nguyên nhân từ việc xây dựng quá ồ ạt các công trình thủy điện vừa và nhỏ (kéo theo những hệ lụy như rừng đầu nguồn bị phá, việc xả lũ ở các hồ chứa không bảo đảm thiết kế)... Ðược biết, hầu hết các công trình thủy điện vừa và nhỏ hiện nay ở các địa phương đều do các doanh nghiệp tư nhân thi công, do vậy không thể không nói vì lợi nhuận mà các doanh nghiệp này sẵn sàng bỏ qua những vấn đề lâu dài như ô nhiễm môi trường, phá rừng, chiếm đất của dân, đền bù không thỏa đáng... Trường hợp công trình thủy điện xã Sơn Lang , huyện KBang, tỉnh Gia Lai giáp ranh với huyện Vĩnh Sơn, tỉnh Bình Ðịnh đã từng xảy ra tranh chấp giữa hai địa phương. Ðó là chưa nói đến việc xây dựng công trình này hiện vẫn còn nhiều ý kiến vì đã làm cho sông Ba, vốn là một con sông lớn có ảnh hưởng lớn đến việc mưu sinh của người dân thuộc địa phận tỉnh Gia Lai có nguy cơ bị biến đổi dòng chảy và cạn kiệt. Chúng tôi đề nghị Chính phủ và Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam cần có một đánh giá đúng về quy mô phát triển của thủy điện vừa và nhỏ, đồng thời sớm rà soát lại những công trình thủy điện có hiệu quả thì cho thi công nếu không phải kiên quyết đình chỉ, không thể để tình trạng mạnh địa phương nào nấy làm như hiện nay; cần có một báo cáo về tác hại cũng như thiệt hại về mặt xã hội và đời sống (môi trường, nạn phá rừng, lũ lụt...) do việc xây dựng các công trình thủy điện gây ra để có kế hoạch điều chỉnh và khắc phục... Trần Mạnh Thắng (Phường An Phước, Tx. An Khê, tỉnh Gia Lai).
Phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón
Qua nghe chất vấn và trả lời chất vấn của lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, chúng tôi thấy rằng, vấn đề Quốc hội quan tâm phù hợp mong muốn chung của cử tri cả nước. Là người làm nông nghiệp, tôi luôn quan tâm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bình ổn đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Thực tế trong thời gian qua giá vật tư nông nghiệp luôn có xu hướng tăng nhanh, nhất là thời điểm chính vụ sản xuất, trong khi đó giá sản phẩm nông nghiệp tăng thấp nên thu nhập của người nông dân không cao. Chưa nói khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch còn yếu, "thả nổi" cho tư thương. Sản xuất phân bón là một ngành kinh doanh có điều kiện trong khi đó trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn có những cơ sở "sản xuất chui" hoặc "đội lốt gia công" cho doanh nghiệp được cấp phép. Nhiều cơ sở nghiền phụ gia, trộn phân NPK thủ công, thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, bố trí xen lẫn trong khu dân cư và có những doanh nghiệp không có phòng kiểm định chất lượng vẫn tổ chức hoạt động sản xuất phân bón. Thêm vào đó việc cho phép doanh nghiệp tự công bố hàm lượng, chất lượng trên bao bì mà không giám sát chặt chẽ việc doanh nghiệp đó có lưu mẫu phân bón do đơn vị sản xuất trước khi đưa lô hàng ra thị trường tiêu thụ hay không, là khe hở lớn dễ nảy sinh hiện trạng sản xuất phân bón không bảo đảm chất lượng, chưa kể phân bón giả trôi nổi trên thị trường. Theo tôi, giá phân bón không ổn định và vẫn còn tình trạng sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng không phải do chế tài xử lý chưa mạnh, mà là do cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, thi hành pháp luật chưa làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng ta có đội ngũ thanh tra nông nghiệp, thanh tra bảo vệ thực vật, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, quản lý chất lượng nông sản, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan kèm theo chế tài xử lý. Phải chăng các cơ quan này đùn đẩy trách nhiệm, thiếu gắn kết nên hiệu quả hoạt động không cao? Ðơn cử như biểu hiện thiếu hụt hàm lượng phân bón ghi trên bao bì, nhãn mác, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể lấy mẫu phân tích, xét nghiệm, giám định độc lập làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. Vấn đề là cùng với nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, ngành liên quan trong thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, cung ứng phân bón, thậm chí chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra bổ sung, xử lý nghiêm những cơ sở, cá nhân vi phạm pháp luật. Nguyễn Thị Bưởi (Thôn Triệu Tiền, xã Ðông Tiến, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Mở rộng mạng lưới bán lẻ hàng hóa, dịch vụ
Theo dõi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về quản lý giá, chúng tôi hoan nghênh việc Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp bình ổn giá, trong đó chú ý bảo đảm cung cầu đầy đủ nhu cầu hàng hóa 11 mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân như điện, nước, xăng dầu, phân bón, thức ăn gia súc, thép, lương thực, ... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng khi giá nhiều mặt hàng tiếp tục tăng và đứng ở mức cao so với những tháng đầu năm. Tại Tp. Hồ Chí Minh, ở hầu hết các chợ lẻ, nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm như rau, củ, quả, thịt cá, hàng ăn uống đều tăng từ 10% đến 15% so với trước. Mặt hàng sữa cũng tăng từ 5% đến 10%. Thuốc chữa bệnh không được quản lý chặt chẽ, tăng chóng mặt, nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh cũng tăng theo, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là các đối tượng làm công ăn lương, hưu trí, lực lượng vũ trang. Ðể chương trình bình ổn giá sớm mang lại kết quả, chúng tôi mong Chính phủ cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt những giải pháp, biện pháp đã đề ra. Kiểm soát giá từ "gốc". Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn vay, lãi suất, giảm thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu để các doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và bảo đảm cân đối cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Tiếp tục đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ và đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn và thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý thị trường, quản lý giá ngay từ các chợ đầu mối đến các chợ nhỏ. Vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh tại các chợ bán đúng giá niêm yết, không "tát nước theo mưa", tùy tiện tăng giá. Tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời nạn đầu cơ, găm hàng trục lợi bất hợp pháp. Huỳnh Văn Đại (Cán bộ hưu trí phường 8, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh).
Cần tập trung sức giải quyết vấn đề thiếu điện
Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, ý kiến bổ sung của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên và ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về vấn đề thiếu điện, cử tri chúng tôi cũng đồng cảm với Chính phủ về những khó khăn trong phát triển nguồn điện và hệ thống lưới điện hiện nay. Nhất là khó khăn trong thu hút nguồn vốn đầu tư cho ngành điện, trong khi yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng nhanh. Cử tri chúng tôi cũng hoan nghênh ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, thành viên Chính phủ đã trình bày sáu giải pháp cụ thể, nhằm tập trung giải quyết vấn đề thiếu điện trong thời gian tới. Tình trạng thiếu điện, cắt điện tràn lan thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Cộng thêm đó là việc tiết giảm điện có lúc, có nơi chưa rõ ràng, công bằng gây nên tình trạng bức xúc trong doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, điều mà cử tri chưa thật nhất trí với phần trả lời của Bộ trưởng Công thương về nguyên nhân tình trạng thiếu điện, cắt điện tràn lan trong thời gian vừa qua, về quy hoạch mạng lưới thủy điện, với việc phát triển quá nhiều thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung đã ảnh hưởng đến môi trường, thoát lũ... Trong đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện hiện nay là rất nhiều các dự án điện chậm tiến độ từ hai đến bốn năm như ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc. Thực tế cho thấy, nhiều dự án nhiệt điện ở Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương khác chậm tiến độ, xảy ra khá nhiều trục trặc kỹ thuật trong vận hành và gây tai nạn... Chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến của một số đại biểu tại hội trường, của Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư về thiết bị kỹ thuật, năng lực nhà thầu và chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân khiến các dự án điện này chậm tiến độ kéo dài và gây nên tình trạng thiếu điện hiện nay. Cùng với đó là tình trạng sử dụng điện lãng phí và trình độ thiết bị, công nghệ lạc hậu ở nhiều ngành sản xuất, nhất là các lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện năng còn khá phổ biến... Ðề nghị Quốc hội và Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nhằm giải quyết vấn đề thiếu điện. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện đang thực hiện; quy hoạch tổng thể trong phát triển mạng lưới, quy mô các dự án thủy điện gắn với yêu cầu bảo đảm môi sinh, môi trường và đời sống người dân vùng hạ du; đánh giá, xem xét nghiêm túc vấn đề thiết bị, công nghệ cũng như năng lực của các nhà thầu trong thực hiện các dự án nhiệt điện hiện nay. Mặt khác, chúng ta cũng cần đẩy nhanh lộ trình và cơ chế khuyến khích các ngành, đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm giảm tiêu hao điện năng, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo; kiên quyết ngăn chặn việc đầu tư, mua sắm, nhập khẩu các thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng; xây dựng chế tài cụ thể và xử lý nghiêm minh việc sử dụng lãng phí điện; các tỉnh, thành phố và ngành điện cũng cần công khai, minh bạch, công bằng trong việc tiết giảm điện mỗi khi gặp khó khăn trong thiếu nguồn cung điện... Nguyễn Viết Bản (Khu dân cư ngõ 45 phố Lê Ðại Hành, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng).
Quản lý giá các loại biệt dược
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu báo cáo giải trình trước Quốc hội tuy ngắn nhưng nêu rõ nguyên nhân và giải pháp tình trạng quá tải, quản lý giá thuốc, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS... Bộ trưởng trả lời chất vấn cử tri nêu những dẫn chứng thực tế sinh động, đáp ứng yêu cầu của cử tri. Trong phần trả lời chất vấn cử tri, vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế các vụ tai nạn giao thông nhưng không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, khắc phục quá tải ở bệnh viện còn khó khăn. Trả lời vấn đề này, tôi thấy Bộ Y tế nhận phần khó khăn về cho mình, trong quá trình thực hiện khi người dân bị tai nạn giao thông cứu chữa trước, sau đó mới xem xét tới có vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay không. Tuy nhiên do Thông tư liên tịch các bộ, ngành, nên việc phối hợp chưa đồng bộ, chỉ cần một bộ không đồng ý thì rất khó thực hiện. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhìn thẳng vào vấn đề, trả lời những thắc mắc của đại biểu Quốc hội, của cử tri, nhận phần khó khăn về mình sẽ đề xuất với Chính phủ, ngành chức năng có liên quan để giải quyết vướng mắc. Tôi đồng tình, thống nhất với phần trả lời của Bộ trưởng. Tuy nhiên, phần trả lời quản lý giá thuốc biệt dược, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, biệt dược chỉ chiếm 5% là những thuốc mới phát minh, giữ bản quyền 20 năm, các nước khác giá biệt dược tăng cao và tăng đột biến, không riêng gì nước ta. Bên cạnh đó, Luật Dược và các văn bản dưới luật chưa quan tâm nhiều đến loại thuốc này nên khó quản lý giá, giá biệt dược thường tăng đột biến. Theo tôi, trong trách nhiệm của mình, khi giá biệt dược tăng cao, đột biến, Bộ trưởng cần trình Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật quản lý giá biệt dược. Ðặc biệt, khi thuốc tăng giá đột biến, Bộ Y tế cần chủ động phối hợp các bộ, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng thuốc tăng để giá biệt dược tăng ở mức hợp lý. Thực tế thời gian qua, nước ta còn phụ thuộc vào các công ty dược nước ngoài sản xuất các loại biệt dược, nên giá cả ta chưa tự quyết. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần xây dựng ngành công nghiệp dược phù hợp tình hình thực tế, kiểm tra việc kê đơn của đội ngũ y, bác sĩ nhận hoa hồng của các công ty dược... Có như thế giá biệt dược sẽ ổn định. Đào Hồng Giỏi (Khu vực 3, phường An Cư, quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ).
Hoan nghênh những giải pháp giảm tải các bệnh viện
Trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 22-11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đưa ra năm nguyên nhân và các giải pháp về tình trạng quá tải các bệnh viện hiện nay. Cử tri chúng tôi hoan nghênh. Theo tôi, để giảm tải các bệnh viện cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc. Thầy thuốc làm việc hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh nâng cao, số lượng bệnh nhân nội trú sẽ giảm. Hiện nay, số lượng bệnh nhân nằm viện thời gian kéo dài do tỷ lệ nhiễm khuẩn tại bệnh viện còn cao, khiến việc điều trị kém hiệu quả. Mặc dù đã có những quy định về chống nhiễm khuẩn khi làm việc tại các bệnh viện nhưng việc thực hiện quy định này của cán bộ y tế còn ít. Về đào tạo nhân lực cho ngành y tế, giải pháp lâu dài giải quyết quá tải bệnh viện, ngành y tế đã tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðề nghị có giải pháp để lực lượng điều dưỡng tại các tuyến dưới làm việc tốt sẽ hạn chế được tình trạng những bệnh thông thường vẫn chuyển lên tuyến trên. Ðào tạo nhân lực cho ngành y tế cần nắm bắt nhu cầu thực tế xã hội, tập trung đào tạo vào những cán bộ y tế chuyên ngành mà xã hội cần. Ðề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần phối hợp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế. Thực hiện Ðề án 1816, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là giải pháp giảm tải các bệnh viện rất tốt trong thực tế ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiều hạn chế, như việc luân chuyển cán bộ chưa phù hợp. Trong khi cơ sở y tế tuyến trên vẫn thiếu người thì cán bộ y tế xuống tuyến dưới không có việc làm phù hợp gây lãng phí nguồn nhân lực. Bộ Y tế cần khảo sát ý kiến đánh giá của các cán bộ đi chuyển giao kỹ thuật, cơ sở y tế và người dân tại những nơi được chuyển giao kỹ thuật. Từ đó khắc phục những việc chưa làm được, tăng cao hiệu quả của đề án này. Phó giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Văn Truyền, nguyên Phó hiệu trưởng chuyên môn Trung tâm đào tạo cán bộ y tế Tp. Hồ Chí Minh.
Giám sát, quản lý chặt chẽ để chống đầu cơ, bình ổn thị trường
Theo tôi, ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn về ba nhóm vấn đề lớn: Quy hoạch ngành điện, thiếu điện, tiết giảm điện; điều hành tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu và khai thác quặng bô-xít Tây Nguyên do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời tại phiên mở đầu chất vấn được chuẩn bị khá kỹ, cụ thể, được cử tri đồng tình. Tuy nhiên, qua ý kiến trả lời của Bộ trưởng, có một vài con số khá nổi cộm mà chúng tôi chưa yên tâm: Ðó là, qua hơn 10 tháng đầu năm 2010, ngành quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 130 nghìn vụ, trong đó đã phát hiện và xử lý khoảng 60-70% số vụ vi phạm về mua bán hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng... Hiện nay, đang trong thời điểm cận kề Tết Tân Mão, giới đầu cơ lại tăng cường hoạt động, đẩy nhiều mặt hàng hóa thiết yếu tăng cao như đường cát, nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phân bón... Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, là vùng trọng điểm sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, thế nhưng thường vào đầu vụ sản xuất do nhu cầu tăng cao, nhiều người buôn bán tranh thủ "đục nước béo cò" đẩy giá lên cao, đi kèm theo đó là nạn buôn bán phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y giả ngày càng tràn lan, gây thiệt hại đối với người tiêu dùng và sản xuất. Nhưng, chính quyền các địa phương ở đây chưa có biện pháp kiểm tra, quản lý tốt, xử lý kiên quyết và triệt để. Nhất là từng địa phương chưa phát huy vai trò tích cực của quản lý thị trường và các ngành chức năng có liên quan trong việc góp phần bình ổn giá, ngăn chặn ngay từ đầu để giới đầu cơ có cơ hội làm giá, mua bán hàng hóa lậu, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, nhất là việc buôn lậu hàng từ bên ngoài vào qua một số tỉnh vùng biên giới Tây Nam chưa giảm. Thời gian qua, việc thực hiện công tác quản lý chỉ khi nào thị trường có dấu hiệu rục rịch biến động, trong khi lại thiếu chủ động quản lý, kiểm tra thường xuyên. Cách làm này là cần thiết, song lại rất thụ động. Gần đây, có những cơn sốt ảo về tăng giá vàng, USD, đường cát... làm cho người tiêu dùng bất an, đổ xô đi mua hàng tạm trữ; trong khi nhu cầu cung, cầu, quỹ hàng hóa dự trữ bình ổn không thiếu. Từ tình hình thực tế vừa qua, xin kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sát sao hơn đối với một số bộ, ngành chức năng, nhất là Bộ Công thương và chính quyền các tỉnh, thành phố khắc phục những biểu hiện chủ quan, thụ động; tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, dự báo, dự đoán thị trường... Vừa qua, các doanh nghiệp, nhà sản xuất đã tổ chức đưa hàng hóa đến các vùng nông thôn qua các phiên, hội chợ ngắn ngày. Cách làm này chưa thật sự căn cơ. Cái mà người tiêu dùng cần là các doanh nghiệp, nhà sản xuất thật sự gắn bó, tạo nên kênh phân phối, bán hàng thích hợp, nhằm quảng bá sản phẩm, tạo dựng niềm tin dài lâu để mọi người dân không quay lưng lại với hàng Việt. Theo tôi, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hiện nay là rất cần thiết. Ðến nay, chủ trương này đã được đông đảo người dân đồng tình và hưởng ứng mạnh mẽ; có tác động tốt đến việc góp phần bình ổn giá, chống lạm phát có hiệu quả. Phạm Tuấn Kiệt (Ðường Phan Bội Châu,phường 7, Tp. Cà Mau).
Thu Huyền (Tổng thuật)
Nguồn: Nhân Dân điện tử