Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển Thủ đô; về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội trong việc quy định thu phí đối với một số phương tiện giao thông ở nội thành, mức thu phí trong nội thành cao hơn mức áp dụng chung trong cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải; việc áp dụng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính cao hơn mức xử phạt chung áp dụng trong cả nước ở các điều trong dự thảo luật…
Ngày 16-11-2010, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô, đây là dự án luật được Quốc hội và cử tri rất quan tâm. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển thủ đô; về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội trong việc quy định thu phí đối với một số phương tiện giao thông ở nội thành, mức thu phí trong nội thành cao hơn mức áp dụng chung cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải; việc áp dụng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính cao hơn mức xử phạt chung cả nước... Bên cạnh đó các vấn đề như quản lý dân cư; về biểu tượng thủ đô, về công dân danh dự thủ đô; vấn đề trách nhiệm của thủ đô với cả nước, cũng như trách nhiệm của cả nước với thủ đô... được thảo luận kỹ.
1. Cần thiết ban hành Luật Thủ đô: Nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô. Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) việc Hà Nội cần có một đạo luật với những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng và phát triển thủ đô ngang tầm khu vực và quốc tế là đúng đắn. Theo đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), sau 10 năm ban hành Pháp lệnh Thủ đô và Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển thủ đô, đã đến thời điểm cần có Luật Thủ đô để có cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, nhiều năm nay hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, nhiều văn bản luật đã được ban hành, nên phạm vi điều chỉnh, phạm vi tác động của Pháp lệnh Thủ đô ngày càng bị thu hẹp, do đó nâng pháp lệnh lên thành luật là một yêu cầu khách quan và việc đưa dự thảo luật để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này và thông qua tại kỳ họp sau là một việc hết sức cần thiết. Đại biểu Đào Trọng Thi ( Hà Nội) cũng cho rằng, cần thiết ban hành Luật Thủ đô trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật nhưng đồng thời trong những vấn đề thực sự cần thiết thì cũng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù khác với các địa phương trong nước. Đại biểu Ngô Minh Hồng (Tp.Hồ Chí Minh) nhất trí về việc ban hành Luật Thủ đô, nếu Luật được ban hành và trong quá trình thực hiện sẽ là những bài học tốt để Tp. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác có thể áp dụng và chúng ta có thể phát triển thành một luật về các đô thị...
2. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội theo hướng mở: Xoay quanh vấn đề tính đặc thù cho Thủ đô Hà Nội có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung là cần có cơ chế, chính sách để phát triển thủ đô thực sự là bộ mặt của cả nước. Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội theo hướng mở hơn các địa phương khác, cần có qui định mang tính ràng buộc kiểm soát chặt chẽ và cụ thể hơn và bảo đảm phù hợp với hiến pháp, tính thống nhất trong cả hệ thống pháp luật. Các vấn đề như áp dụng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính và quy định mức thu một số loại phí ở khu vực nội thành cao là chưa thuyết phục. Về vấn đề quản lý dân cư, công dân danh dự cần cân nhắc theo quy định của hiến pháp. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành để xác định những vấn đề mà thủ đô đang vướng, từ đó có giải pháp tháo gỡ. Về cơ chế quản lý dân cư, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ căn cứ yêu cầu của quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư nội thành của Thủ đô Hà Nội để ban hành quy định điều kiện cư trú ở nội thành như trong dự thảo đã đề cập. Đại biểu Chu Sơn Hà đồng tình với việc áp dụng cơ chế, chế tài xử phạt hành chính đối với cùng một hành vi vi phạm pháp luật trong nội thành cao hơn so với ngoại thành và cao hơn các địa phương khác và đề nghị Chính phủ không cho phép xây mới, mở rộng hoặc tăng quy mô các bệnh viện, trường chuyên nghiệp và đại học trong nội thành Hà Nội.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, vấn đề thu một số lệ phí về giao thông và môi trường cần phải tính toán và xem xét lại cho hợp lý; việc thu thêm phí, phương tiện của các cá nhân ở nội thành với mức phí cao hơn trong lĩnh vực môi trường và giao thông sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân thủ đô. Còn đại biểu Đặng Văn Khanh (Tp. Hà Nội) lại cho là rất cần có một cơ sở pháp lý đồng bộ, đủ mạnh, những cơ chế chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện có hiệu quả hơn công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển thủ đô, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa ra những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, đặc biệt trong quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Tp. Hà Nội trong việc thực thi đạo luật này. Nhiều ý kiến đề nghị khi xây dựng Luật Thủ đô cần phải đặt trong tổng thể các văn bản nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) đề nghị nhiệm vụ của luật này không chỉ là ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, mà còn quy định những cơ chế, chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển thủ đô và các đại biểu không nên so sánh là đầu tư cho Hà Nội là đầu tư riêng cho địa phương mà là đầu tư cho cả nước. Có đại biểu như Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) vẫn phân vân liệu đây có phải là một đạo luật duy nhất cho một thành phố hay không? Việc ban hành đạo luật này nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của thủ đô nhanh hơn nữa, cũng có nghĩa là mức sống của người dân ở Thủ đô sẽ được nâng cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Như vậy liệu có làm nảy sinh tâm tư, tâm lý so bì với người dân không phải là người dân thủ đô hay không? Về công dân danh dự thủ đô không phải là hình thức khen thưởng, tôn vinh thật sự cần thiết và có tác dụng tốt.
Theo đại biểu Ngô Minh Hồng (Tp. Hồ Chí Minh), Luật Thủ đô phải tạo cơ chế để chính quyền và nhân dân thủ đô linh hoạt và phát triển được tối đa sự thông minh sáng tạo, cần cù, tài hoa vốn là thế mạnh của người dân thủ đô. Về quản lý dân cư, theo đại biểu Hồng cần phải tạo một khung, một cái trần hoặc sàn để Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội hoặc Chính phủ có căn cứ để ban hành chính sách. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh, sớm xây dựng Luật Đô thị và sửa đổi Hiến pháp để Hà Nội có một không gian và hành lang pháp lý thuận lợi, phát triển lâu dài, nhất là trong thời điểm hiện nay, trên thế giới, đô thị đang trở thành vấn đề lớn, đang có những chuyển đổi về chất...
Qua tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định về sự cần thiết phải có Luật Thủ đô và Luật này không quy định lại tất cả những vấn đề trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... Mà chỉ chọn ra những lĩnh vực đặc thù cần có cơ chế riêng cho Hà Nội. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, chọn những lĩnh vực nào, những vấn đề gì để có những cơ chế ,chính sách đặc thù cho Hà Nội… Đây là dự án luật thảo luận lần đầu nên Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp thu đầy đủ và có những chỉnh lý phù hợp để có một luật thật tốt cho thủ đô trong thời gian tới.
Thủy Anh