Ngày 18-11-2010, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo trên cơ sở các ý kiến đã thảo luận tại tổ. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào 7 vấn đề: phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo; chủ thể có quyền tố cáo; trách nhiệm của người tố cáo; các hình thức tố cáo; tố cáo và giải quyết tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo…
Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Theo Báo cáo của Chính phủ năm 2010 trong 6.681 vụ việc tố cáo, có 912 tố cáo đúng (13,3%), có 1.945 tố cáo có đúng, có sai (28,6%) và 4.025 tố cáo sai (58,5%). Như vậy, thực tế cho thấy có khá nhiều đơn tố cáo chưa chính xác, có đơn tố cáo ở mức độ nhẹ, hay nặng đều dẫn đến những hậu quả… Do vậy tại phiên thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về vấn đề này. Theo đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang), nên quy định chủ thể tố cáo là công dân bởi tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình, trường hợp tố cáo sai sự thật thì phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự. Đại biểu Nguyễn Thị Sáng đề nghị Luật Tố cáo cần phải quy định cụ thể trách nhiệm pháp luật của người tố cáo sai sự thật ở mức độ nhẹ thì xử lý hành chính, nghiêm trọng hơn thì truy tố trước pháp luật về tội vu khống theo Bộ luật hình sự và đây là việc cần thiết để giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội. Còn đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) dự thảo luật nên mở rộng cả chủ thể là tổ chức đứng ra tố cáo thì sẽ phát huy được sức mạnh của tập thể, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay song dự thảo luật cần có những quy định và chế tài cụ thể đối với hình thức tố cáo tập thể. Đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cho rằng người tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm của công dân, đồng thời còn ràng buộc về trách nhiệm công dân đối với người tố cáo trong trường hợp tùy tiện chủ quan, cố ý tố cáo sai sự thật hoặc vu khống để làm mất uy tín, danh dự gây thiệt hại cho người bị tố cáo.
Bảo vệ người tố cáo và bị tố cáo như thế nào?
Ý kiến nhiều đại biểu đã trao đổi xung quanh vấn đề bảo vệ người tố cáo như thế nào là tốt nhất. Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) khẳng định đây là một điểm mới trong dự thảo luật, song chưa đề cập cụ thể, chung chung, mang tính nguyên tắc và thiếu cơ chế áp dụng trong thực tiễn. Theo đại biểu này, việc bảo vệ người tố cáo là một nội dung hết sức quan trọng, nhằm giúp người tố cáo tin tưởng vào sự đúng đắn, công minh của pháp luật, giúp họ quan tâm và mạnh dạn phản ánh những việc làm sai trái của cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ, góp phần hạn chế đơn thư tố cáo nặc danh. Vì vậy đại biểu Nguyễn Thị Sáng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để có những quy định chặt chẽ và chi tiết hơn, đặc biệt là cần xác định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ trình tự thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo và cần thiết có thể bảo vệ cả người thân của họ.
Đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) khẳng định sự đồng tình với việc trong dự thảo luật có một chương riêng nói về bảo vệ người tố cáo, là cơ sở bảo đảm vững chắc, đáng tin cậy cho người tố cáo. Đại biểu Huỳnh Phước Long còn cho rằng không riêng người tố cáo cần được pháp luật bảo vệ mà đối với người bị tố cáo sai cũng cần phải có cơ chế bảo vệ minh bạch, rõ ràng, công khai được quy định trong dự thảo luật. Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã quy định về xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm v.v... cho người tố cáo, nhưng những quy định đó chưa cụ thể và còn thiếu cơ chế tổ chức thực hiện, làm ảnh hưởng đến quyền tố cáo của công dân. Trên thực tế cũng có trường hợp người tố cáo đã bị trả thù, còn người vi phạm thì không bị xử lý do vậy nhiều người không dám tố. Đại biểu Lưu Thị Chi Lan đề nghị dự án luật cần có những quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ người tố cáo, phải thật sự tạo đủ công cụ hình thành cơ chế hữu hiệu để bảo vệ an toàn tính mạng, danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích vật chất, tinh thần khác cho người tố cáo. Đồng thời cũng quy định về trừng trị nghiêm khắc đối với người lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, làm hại người khác hoặc trả thù người tố cáo. Đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) có ý kiến người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo là người có trách nhiệm phải bảo vệ bí mật đó cho người tố cáo thì họ không thể làm nổi. Do vậy cần phải xây dựng các quy định riêng, cụ thể hơn, có những điều luật quy định rõ từ nguồn kinh phí bảo vệ người tố cáo, việc bồi thường khi người tố cáo bị thiệt hại, quỹ bảo vệ người tố cáo và chính sách động viên, khen thưởng đối với người tố cáo khi tố cáo đúng sự thật và có trách nhiệm. Đồng thời cần quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm và các biện pháp cụ thể để bảo vệ là các biện pháp gì, ngay trong luật, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, việc làm cho người tố cáo.
Có xem xét giải quyết tố cáo nặc danh?
Đây là vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi và có lập luận, lý lẽ riêng. Theo đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) thực tế hiện nay hình thức tố cáo nặc danh rất phổ biến. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sợ liên lụy, trù úm, trả thù v.v... nên họ không muốn ghi rõ họ tên và địa chỉ của mình. Vì vậy, dự thảo Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo cần quy định cụ thể về việc giải quyết loại tố cáo này như những trường hợp tố cáo nặc danh nhưng có nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể và có cơ sở xem xét, giải quyết thì vẫn cần được thụ lý. Còn đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) thì nhấn mạnh đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo coi là đơn thư tố cáo nặc danh sẽ không được xem xét giải quyết. Thực tế cũng cho thấy những quy định này đã phát huy tác dụng tích cực, đồng thời đề cao trách nhiệm của người tố cáo đối với xã hội và đối với Nhà nước.
Hạn chế tình trạng lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, không mang tính xây dựng, gây mất đoàn kết nội bộ. Đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cũng đồng tình với việc dự thảo luật không xem xét giải quyết tố cáo nặc danh, bởi tố cáo nặc danh là việc dám làm mà không dám chịu trách nhiệm, gây nhiều khó khăn cho người giải quyết, nếu giải quyết sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiêu tốn nhiều chi phí mà hiệu quả mang lại không cao. Đại biểu cũng đề nghị phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với những người cố ý tố cáo sai sự thật với động cơ không trong sáng, song song đó phải có cơ chế hình thức khen thưởng xứng đáng, phù hợp cho người tố cáo đúng. Đại biểu Nguyễn Thị Nương (Cao Bằng) nhất trí cao với việc đưa vào dự thảo luật lần này việc giải quyết tố cáo chỉ với loại tố cáo có ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo với hai hình thức tố cáo, đó là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng gửi đơn tố cáo. Loại đơn tố cáo không có họ tên, địa chỉ rõ ràng hoặc bản ghi lời tố cáo và hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, bằng fax thì không nên giải quyết.
Trên cơ sở lắng nghe những ý kiến trao đổi của các đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Về trách nhiệm của người tố cáo, người cố tình tố cáo sai pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, kể cả trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường. Các đơn thư tố cáo nặc danh không nên xem xét, còn trường hợp đơn thư tố cáo trong đó có nội dung rõ ràng, có tài liệu chứng cứ, có địa chỉ có thể coi như một thông tin để phục vụ cho các cơ quan nghiên cứu tham khảo. Người tố cáo phải được bảo vệ.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội đây là điểm mới của Luật song hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu; cần phải quy định cụ thể hơn, rõ hơn về cơ chế, về trách nhiệm, về điều kiện và thời gian. Đây cũng là điều kiện để bảo vệ người tố cáo thực hiện quyền của họ. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị có quy định xử lý nghiêm những hành vi trả thù, trù dập, phân biệt đối xử của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có những hành vi như vậy.
Thủy Anh