Quản lý trong thế kỷ XXI – từ Châu Á đến thế giới
Giáo sư Ikujiro Nonaka thuyết trình tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế

Quản lý trong thế kỷ XXI – từ Châu Á đến thế giới - Đó là chủ đề thuyết trình của Giáo sư Nhật Bản Ikujiro Nonaka trình bày tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội) sáng nay 3-12-2009. Hoạt động này nằm trong chương trình thực hiện Đề án 165 của Bộ Chính trị về đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị bằng ngân sách nhà nước, trong đó có hình thức mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy hoặc thuyết trình tại Việt Nam. Tham gia dự buổi thuyết trình có đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Điều hành Đề án 165 cùng gần 250 đại biểu là đại diện lãnh đạo bộ, ngành ở Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt, một số chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, lãnh đạo một số trường đại học, viện nghiên cứu khoa học tại Hà Nội, cán bộ lãnh đạo cấp vụ các cơ quan Đảng ở Trung ương. Buổi thuyết trình được sự hỗ trợ của tổ chức JICA tại Việt Nam.

Giáo sư Ikujiro Nonaka là một trong những chuyên gia về quản lý kinh tế, được đánh giá là một trong 20 nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2008. Tại buổi thuyết trình, Giáo sư Nonaka đã trình bày về mô hình tổ chức kiến tạo tri thức và quy trình quản lý từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp thành đạt ở Nhật như Honda, Toyota, Canon, Seven Eleven… Trong thuyết trình, Giáo sư Nonaka cũng đề cập đến thực tế, kinh ngiệm phát triển của nhiều doanh nghiệp, nhiều bài học sâu sắc về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công. Theo Giáo sư, tầm nhìn bao quát của người lãnh đạo chính là điều kiện và cơ hội để kích thích sự sáng tạo và đổi mới của từng cá nhân trong mỗi tổ chức.

Các đại biểu tham dự buổi thuyết trình đã đặt nhiều câu hỏi, trao đổi với Giáo sư Nonaka về các vấn đề như ứng dụng mô hình quản lý của các doanh nghiệp đối với các tổ chức công, mối quan hệ giữa lợi nhuận và đạo đức, văn hoá; so sánh mô hình, kinh nghiệm của Nhật với Việt Nam, các yếu tố về văn hóa của phương Đông, phương Tây; mối quan hệ giữa sáng tạo cá nhân và vai trò của tập thể đối với sự phát huy sức sáng tạo của cá nhân…

Phát biểu sau buổi thuyết trình, đồng chí Nguyễn Văn Quynh khẳng định, đây là hoạt động sinh hoạt khoa học bổ ích. Những vấn đề Giáo sư Nonaka nêu vừa phong phú, sinh động, vừa có tầm khái quát, có nhiều điểm mới giúp các học giả, các nhà kinh tế Việt Nam được tiếp cận những vấn đề mới về khoa học quản lý nói chung và kinh nghiệm của một quốc gia phát triển như Nhật Bản. Đồng chí hi vọng, thời gian tới, Ban Điều hành Đề án 165 sẽ tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt khoa học với chất lượng, hiệu quả cao.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất