Quốc hội thảo luận dự Luật Phòng, chống rửa tiền

Sáng 15-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền.

Luật Phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ Luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước Việt Nam với các tổ chức quốc tế.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta thì hoạt động rửa tiền ở Việt Nam là có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn quan điểm xây dựng luật, nhất là  về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền là cần thiết và phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý kiến. Một số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật là: "Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố; trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố" vì cho rằng tài trợ khủng bố thường gắn với rửa tiền, việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là hai lĩnh vực có nhiều điểm tương đồng.

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị Luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của luật là “Luật Phòng, chống rửa tiền”. Tài trợ cho khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố. Dự án Luật Phòng, chống khủng bố đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.

Bàn về cơ quan phòng, chống rửa tiền, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Dự án Luật quy định: Cơ quan phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phòng, chống rửa tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. Có ý kiến khác lập luận, rửa tiền là một loại tội phạm nên chủ trì phải là cơ quan điều tra phòng chống tội phạm, đề nghị giao Bộ Công an quản lý và ngân hàng chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện. Ý kiến khác cho rằng cơ quan phòng chống rửa tiền phải là một cơ quan đặc biệt gồm các chuyên gia của các ngành (ngân hàng, công an, tài chính...) trực thuộc Chính phủ.

Phát biểu kết luận buổi thảo luận tại hội trường, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự Luật, tiếp tục lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp khác.

Chiều nay, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Giám định tư pháp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất