Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.

Tính thuyết phục của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Mỗi lần sửa hiến pháp đều dựa trên các định chế phù hợp, mang tính kế thừa. Hiến pháp lần này tập trung xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền”, dự thảo mới đã khẳng định rõ quyền của nhân dân, toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thể hiện qua hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Đồng thời, dự thảo hoàn thiện hơn thể chế chính trị và mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, rạch ròi hơn 3 quyền lập pháp- hành pháp - tư pháp. Bên cạnh đó, dự thảo đã thể hiện được đặc trưng mô hình tổ chức bộ máy nhà nước luôn gắn với thể chế chính trị; quyền con người và công dân được bảo đảm, hiện thực hóa hơn, có khả năng luật hóa để đi vào cuộc sống; mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân theo hướng dân chủ hơn, trách nhiệm nhà nước được tăng cường; các chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra đều được quy định rõ. Ý kiến của đại biểu Quyền nhận được sự tán thành từ nhiều đại biểu. Các đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Trần Thị Quốc Khánh, Bùi Thị An, Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) đều đề cao tính thuyết phục của Dự thảo Hiến pháp. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, Dự thảo đã thể hiện được khát vọng của nhân dân, đặc biệt là các quyền con người, quyền công dân. Đại biểu Đỗ Kim Tuyến nhận xét: “Dự thảo đã sát với thực tiễn, khoa học, kết cấu chặt chẽ, cơ bản đã giải quyết được các vấn đề còn băn khoăn, còn nhiều ý kiến khác nhau”. Đặc biệt, các đại biểu nhất trí cao với các nội dung liên quan đến thể chế chính quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng, việc giữ nguyên tên nước, việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

Các đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bản dự thảo lần này đã có tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) nêu, tại thời điểm này, việc sửa đổi Hiến pháp như vậy là phù hợp. “Hiến pháp chỉ thay đổi thì tình hình đất nước có thay đổi căn bản về kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng. Lần này, chúng ta định hướng thay đổi rộng trong khi từ năm 1992 đến nay, về kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng, về thiết chế chính trị của chúng ta chưa có gì thay đổi lớn. Vì vậy những vấn đề cơ bản nhất vẫn giữ nguyên  cũng là hợp lý”. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP. Hồ Chí minh) cho rằng, dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp.

Cần cụ thể về mô hình chính quyền địa phương

Một số đại biểu đoàn Hà Nội băn khoăn với các quy định về chính quyền địa phương, việc thực hiện thu hồi đất. Về việc sử dụng thuật ngữ “chính quyền địa phương” trong hiến pháp, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, nếu quy định chính quyền địa phương bao gồm HĐND, UBND là sai với từ điển, sai với nguyên lý, sai với mô hình tổ chức bộ máy hiện tại. Trên thực tế, chúng ta không tổ chức mô hình chính quyền liên bang nên không thể có chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, quyền lực nhà nước là thống nhất mà Quốc hội là đại diện. Vì vậy, HĐND, UBND tổ chức ở các đơn vị hành chính, được thành lập để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp của luật định. Nếu ta sử dụng thuật ngữ “chính quyền địa phương” thì vô hình trung tạo ra tư tưởng phân quyền, cho rằng địa phương muốn làm gì thì làm. Chung quan điểm, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) lưu ý, khái niệm chính quyền địa phương cũng chưa có trong từ điển và các văn bản pháp lý, nếu đưa khái niệm chưa rõ thì sẽ rất phức tạp, khó triển khai thành luật. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch cũng cho rằng, chúng ta thực hiện thí điểm bỏ HĐND đã có nhiều ý kiến khác nhau, giờ chính quyền địa phương là cơ chế quản lý mới, mạnh, đặc thù, nhiều quyền hơn so với HĐND, sẽ dễ sinh ra sự so sánh, đơn vị nào cũng muốn chuyển thành chính quyền địa phương.

Về vấn đề có nên tổ chức HĐND ở các địa phương hay không, đại biểu Hồ Thanh Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết: Hiến pháp là đạo luật gốc, song nếu quy định như trong dự thảo sẽ đẩy khó cho các luật sau này, đặc biệt là Luật tổ chức HĐND và UBND sửa đổi. Theo bà Thủy, khi thí điểm không tổ chức HĐND ở 10 tỉnh, thành trong đó có Vĩnh Phúc, có nói thí điểm để sau này sửa đổi Hiến pháp, song hiện nay chưa tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Tới đây sẽ thí điểm chính quyền địa phương, khi mà đã thông qua Hiến pháp, như vậy sẽ “làm khó” cho chúng ta khi sửa đổi Luật tổ chức HĐND và UBND. Đại biểu  đề nghị trong Hiến pháp nên quy định cụ thể chính quyền có mấy cấp và chính quyền gồm những cơ quan nào, không nên “để lửng” như trong Dự thảo. Bên cạnh đó, cũng nên quy định chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Như vậy, cấp chính quyền địa phương nào có UBND thì tương ứng đó là HĐND. Bà Thủy băn khoăn bởi Điều 114 vẫn bỏ ngỏ chính quyền địa phương nơi thì có HĐND, nơi thì không. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) nêu ý kiến, đã có chính quyền nhà nước thì phải có HĐND. Trong cơ chế hiện nay, nếu quyền lực của HĐND giảm thì khó có thể bảo đảm được quyền lợi của nhân dân như Hiến pháp quy định. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, đối với chính quyền huyện, xã nên tiếp tục duy trì như hiện nay; nhưng chính quyền địa phương ở đô thị và hải đảo đã khá chín muồi, có thể sửa được….

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng về chính quyền địa phương, tuy đã có sự tiếp thu nhưng vẫn thể hiện sự lúng  túng, chưa định hình được chính quyền địa phương là gì, nhiệm vụ của chính quyền địa phương chưa rõ. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp giải trình thêm về Điều 111 vì  chưa rõ ràng. Cần nói rõ trong tương lai, chỗ nào tổ chức chính quyền địa phương, chỗ nào chỉ cần ủy ban hành chính. Ngoài ra, một nguyên tắc của chính quyền địa phương là tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, nhưng trong Hiến pháp vẫn không mạnh dạn thể hiện điều này.

Quy định rõ ràng khi thu hồi đất

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) góp ý, thu hồi đất vì phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng nếu quy định không khéo sẽ bị lợi dụng, mà thực tế trong nhiều năm qua đã bị lạm dụng, lợi dụng. Vì vậy, Hiến pháp cần thiết kế lại nội dung này. Cần ghi rõ, thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, thu hồi đất đai là vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm, đây cũng là lĩnh vực chiếm tới 70%-80% vụ khiếu kiện, vì lợi ích của người dân bị xâm phạm. Cần có thời gian để thực hiện Luật Đất đai, tổng kết thực tiễn rồi mới hiến định vấn đề thu hồi đất vào Hiến pháp. Nếu hiến định ngay từ lần sửa này thì phải sửa theo hướng: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết, còn sẽ do Luật Đất đai quy định.

Về vấn đề đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề quy hoạch, sử dụng đất đai hiện nay đang bị lạm dụng và xâm phạm quyền lợi của người dân. Sự bất an của người dân hiện nay chính là quy hoạch và sử dụng không rõ ràng, vì vậy Hiến pháp cần bảo đảm điều này để họ an tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh việc đồng ý với sửa đổi của Hiến pháp trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, cần hiểu người dân không phản đối việc Nhà nước thu hồi đất mà dân quan tâm nhất là quyền lợi bị xâm hại vì giá đền bù không thỏa đáng. Đề nghị giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường. Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong cùng mảnh đất, giá đền bù khác nhau nếu mục đích thu hồi là khác nhau, vì vậy đã gây mất công bằng. Băn khoăn với quy định về việc thu hồi đất, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) đề nghị, ngoài việc đảm bảo công khai, minh bạch, việc thu hồi đất phải được thực hiện theo quy định về quyền trưng mua, trưng dụng tài sản được quy định trong hiến pháp và phải theo đúng quy hoạch…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất