Ngày 28-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tiếp tục ngày thứ hai thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ kinh tế-xã hội của năm 2010.
Các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung phân tích về hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, chính sách an sinh xã hội và những vấn đề cụ thể được gọi là “vướng” hiện nay để thực hiện thành công các chỉ tiêu năm 2010 mà Chính phủ đã nêu ra.
Các ý kiến đều nhấn mạnh, việc thực hiện thành công 18/25 chỉ tiêu đặt ra trong năm được coi là thắng lợi trong bối cảnh năm 2009. Cùng với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đạt mức tăng trưởng 5,2%, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện càng củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân. Trong thành công chung ấy, “gói kích cầu” của Chính phủ được đại biểu đánh giá cao, được ví như “thuốc quý” với các doanh nghiệp “đang ốm”. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất khi nói đến những mặt “chưa đuợc” của gói kích cầu. Con số khoảng 20% doanh nghiệp tiếp cận được vốn kích cầu cho thấy có sự thiếu công bằng với nhiều doanh nghiệp khi các doanh nghiệp này đều đủ tiêu chuẩn vay vốn. Nông dân là đối tượng được ưu tiên thụ hưởng nguồn vốn nhưng thực tế số vốn đến được với nông dân còn quá ít. Nguyên nhân tại sao? Đó là điều mà đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ và có kết luận rõ ràng đề tìm ra giải pháp cho năm tới. Rõ ràng, doanh nghiệp và dân chưa tiếp cận được vốn kích cầu không phải do họ mà do chính sách ban hành đi kèm. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị hết năm nay, Chính phủ nên dừng gói kích cầu vì giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
Để thực hiện thành công những chỉ tiêu năm 2010, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần tập trung giải quyết triệt để những vấn đề không phải mới nhưng năm nào cũng được nêu. Đó là tình trạng nhiều công trình xây dựng cơ bản dở dang, kéo dài, giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề; tình trạng tai nạn giao thông gia tăng với nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; nạn ô nhiễm môi trường không giảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra ở nhiều nơi đe doạ sức khỏe người tiêu dùng; công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua chưa thực sự được quan tâm, nhất là công tác phòng bệnh…; ngành giáo dục và y tế phát động nhiều chương trình nhưng chưa phát huy hiệu quả, đầu tư cho khoa học-công nghệ còn thấp, cán bộ khoa học còn quá mỏng, yếu; tình trạng chạy chức, chạy quyền làm giảm lòng tin của nhân dân vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương.
Trong ngày làm việc thứ hai này, ngoài các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về Báo cáo của Chính phủ đối với tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ của năm 2010, 5 Bộ trưởng, trưởng ngành đã có nhiều ý kiến, đánh giá góp phần làm rõ thêm những ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội trong các buổi thảo luận trên Hội trường và tại các tổ về các gói kích cầu đầu tư, tính hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế; vấn đề phát triển thị trường nội địa, chương trình khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, vấn đề phát triển thủy điện nhỏ, khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010, vấn đề quản lý nhà nước về tình trạng khai thác khoáng sản và đánh giá về các chính sách an sinh xã hội. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, không khí phát biểu nhìn chung sôi nổi, liên tục, đi vào đúng trọng tâm vấn đề và có tính xây dựng cao.
Chiều 28-10, Quốc hội họp tại Hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2010.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội về tình hình thực hiện NSNN năm 2009, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ năm 2009, đánh giá chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt của Chính phủ đã góp phần tích cực đến tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an toàn trật tự xã hội. Đại đa số các ý kiến tại Hội trường đều cho rằng, để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, mức bội chi ngân sách năm 2010 cần giữ ở mức 6% GDP.
Các ý kiến tại Hội trường tập trung vào những điểm còn hạn chế trong hoạt động thu chi NS năm 2009, nhất là vấn đề thất thu NSNN; điều hành và dự kiến kết quả thu chi NSNN; kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành NSNN năm 2009. Tính khả thi của thu NSNN 2010 và phân bổ NSTƯ, bổ sung ngân sách địa phương (NSĐP). Các đại biểu kiến nghị tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính, tiếp tục công khai NSNN, chống lãng phí trong đầu tư; kiên quyết thực hiện kết luận của Kiểm toán. Một số câu hỏi được đặt ra: Liệu thực hiện Luật ngân sách đã nghiêm túc chưa? Chính Phủ phải có biện pháp và chế tài trong việc làm này để đảm bảo tính nghiêm túc của Pháp luật. Phân bổ NS cho các tỉnh lấy căn cứ ở đâu? Làm sao để công bằng, khuyến khích, có thưỏng với tỉnh đạt chỉ tiêu NS. Nên rà soát lại công trình đầu tư lớn. Đại biểu lưu ý một số yếu tố ảnh hưởng thu như thất thu, nợ đọng thuế, quản lý nguồn thu, hóa đơn thuế. Kiểm soát việc thực hiện luật thuế. Tăng cường kiểm soát chi, hiệu quả chi, tăng cường hoạt động lồng ghép. Xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm. Tính toán hợp lý để hạn chế chuyển nguồn sang năm sau. Giải quyết hợp lý giữa chi NSTƯ và ngân sách địa phương, cơ cấu phân bổ. Trái phiếu Chính phủ là cần thiết để tập trung chi đầu tư phát triển trung và dài hạn, lưu ý cần đến đâu phát hành đến đó…
Thu Huyền