Tại các tổ, các đại biểu Quốc hội đều cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 có rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự đồng tâm hiệp lực của cả nước, tuy còn không ít hạn chế yếu kém, nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Đa số các đại biểu đều tán thành với các nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ. Đó là đã thực hiện và đạt được các mục tiêu chính theo Nghị quyết của Quốc hội: Ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý; giữ ổn định cân đối kinh tế vĩ mô của nền kinh tế; chính sách tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh; nhập siêu được kiểm soát thấp hơn so với kế hoạch; bảo đảm an sinh xã hội, thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân, học sinh. Các chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, đền ơn đáp nghĩa được triển khai thực hiện tốt. Đã ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện đạt kết quả các gói giải pháp kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù vậy, trong năm 2009 chúng ta vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể, hiện vẫn là những điểm nghẽn của tăng trưởng. Do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn. Kết quả cải cách hành chính vẫn còn thấp…
Chủ đề được hầu hết Đại biểu quan tâm thảo luận là Chính phủ cần xem xét lại các gói kích cầu nền kinh tế. Có cần thiết phải tiếp tục duy trì các gói kích cầu nữa hay không, nếu duy trì thì ở mức nào, thời hạn ra làm sao? Vấn đề có cần thiết hay không việc tái cơ cấu lại nền kinh tế để ngăn chặn tình trạng lạm phát có thể quay trở lại cũng được các Đại biểu quan tâm…
Xây dựng Đảng điện tử tiếp tục thông tin kết quả thảo luận trong ngày làm việc tiếp theo.
Thu Huyền