Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục liên quan đến 22 điều trong tổng số 120 điều của Luật, bổ sung mới 1 mục vào Chương VII, gồm 3 điều mới. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể là: Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa; điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục; thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường; hợp tác về Quốc tế về lĩnh vực giáo dục… Nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật tác động đến chương trình giáo dục và sách giáo khoa; tích cực đến trình độ, nhận thức và chuẩn bị tốt kiến thức cho trẻ trước khi vào lớp 1; tới việc đầu tư cho giáo dục; đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; tới việc nâng cao chất lượng và đề cao tính trách nhiệm đối với giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học; tới việc nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ; bảo đảm quyền lợi cho người học và nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số ngành đặc thù; tới việc phân cấp thẩm quyền, xác định rõ quyền của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trong việc cho phép thành lập trường đại học và giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; tới tiêu chuẩn, quy trình, trình tự và thủ tục thành lập nhà trường; bảo đảm chất lượng của trường khi hoạt động; đảm bảo sự công bằng và quyền lợi của nhà giáo giảng dạy tại các trường cao đẳng nghề; tới việc thực hiện chủ trương phân cấp quản lý...
Các đại biểu cơ bản nhất trí với những nội dung đã nêu trong Dự án. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã quan tâm tới điểm đ khoản 1 Điều 51 trong Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục có ghi: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với việc thành lập trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường”. Những đại biểu bảo lưu quan điểm "quyền thành lập đại học phải thuộc Thủ tướng" lo ngại rằng nếu phân cấp cho Bộ trưởng thì không thể chấm dứt được hiện tượng "sinh sôi" hàng loạt các trường kém chất lượng.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tin rằng chỉ có phân cấp cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mới giảm được tình trạng trung gian, cải cách được thủ tục hành chính. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: Nếu ra quyết định sai, Bộ trưởng phải bị kỷ luật. Không thể để trách nhiệm cứ chung chung như lâu nay, bên dưới cứ đùn đẩy lên trên, trên lại đùn xuống dưới và rồi chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cá nhân. Bấy lâu để Thủ tướng quyết định nhưng Thủ tướng lại giao cho cấp dưới, cho Bộ Giáo dục làm cả. Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc mở trường đúng hay sai là trách nhiệm của Bộ trưởng, chứ không được đẩy lên Thủ tướng. Thủ tướng phải lo chiến lược quốc gia, lo quy hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, nếu làm sai thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm đến cùng, phải xử lý Bộ trưởng chứ việc này không nên xử lý Thủ tướng. Nếu có một trường mở không đúng, lại yêu cầu Thủ tướng duyệt, Thủ tướng không có thời gian xử lý sâu. Việc phân cấp cho Bộ trưởng là để tăng trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trước Thủ tướng và xã hội chứ không phải né tránh...
Các đại biểu cũng bày tỏ bức xúc hiện nay là chương trình quá tải, học trò học quá sức, không có thời gian nghỉ, mệt mỏi với học thêm... Phương pháp giảng dạy kiểu đọc-chép như hiện nay chưa khuyến khích sinh viên suy nghĩ sáng tạo. Điều kiện hoạt động của các trường đại học còn nhiều vấn đề cần khắc phục: Mặt bằng quá nhỏ, nhiều trường phải đi thuê; hệ thống thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên...
Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông. Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Ngày mai, chủ nhật (25-10), Quốc hội nghỉ làm việc.