Sau khi thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010, buổi chiều ngày 23-10-09, Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày Tờ trình Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Tờ trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.
Thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2009, Quốc hội đã tiến hành các hoạt động giám sát thường xuyên như xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007. Từ đó, thông qua Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách nhà nước, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ năm 2009 và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân…
Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010 cần đáp ứng một số yêu cầu sau: Tiếp tục thực hiện đầy đủ các hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp theo các quy định của pháp luật như xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, tiến hành hoạt động chất vấn, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hữu quan… Nội dung chuyên đề được lựa chọn là những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm với phạm vi hợp lý, có điều kiện giám sát sâu; không chọn những vấn đề mà Quốc hội mới tiến hành giám sát, các cơ quan chịu sự giám sát đang trong quá trình tiếp thu, điều chỉnh; đảm bảo sự hài hòa, hợp lý giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại. Số lượng chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2010 của Quốc hội là 2 chuyên đề. Dự kiến nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2010 là Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học; việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thế cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Kết hợp một cách hợp lý giữa giám sát tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương với việc đi giám sát, khảo sát tại địa phương, cơ sở. Tăng cường phối hợp, ủy quyền để một số đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương trực tiếp giám sát và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức hoạt động chất vấn tại một số phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phối hợp hoạt động giám sát. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc cải tiến hoạt động giám sát của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, áp dụng để tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát.
Ngày mai 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Thu Huyền