Quốc hội thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung
Đại biểu nhấn nút thông qua Luật.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, Dự thảo luật quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng.

Đa số ý kiến tán thành với quy định trên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như quy định của Dự thảo luật là chưa hợp lý, đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao, thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; tác động đến nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước; không bảo đảm mục tiêu điều tiết thu nhập; không bảo đảm công bằng xã hội. Vì vậy, đề nghị giữ mức giảm trừ gia cảnh hiện hành hoặc quy định mức thấp hơn mức Chính phủ trình.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: việc nâng mức giảm trừ gia cảnhcó làm giảm thu ngân sách nhà nước, thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm thay đổi một số mục tiêu ban đầu của việc ban hành Luật. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước hiện nay, cơ bản chỉ đủ bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên; chi trả nợ, tích lũy đầu tư còn thấp thì việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lực bảo đảm chi an sinh xã hội, chi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì mục tiêu ban đầu của Luật thuế thu nhập cá nhân là khó khăn; đến khi nền kinh tế đất nước phát triển, thu nhập người dân được cải thiện sẽ thực hiện đầy đủ mục tiêu của Luật. Mặt khác, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là nhằm chia sẻ khó khăn, động viên, hỗ trợ người hưởng lương có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng.

Quy định rõ các trường hợp được giảm thuế. Có ý kiến đề nghị quy định mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế bị khuyết tật và người phụ thuộc mắc bệnh nan y cao hơn mức quy định của Dự thảo luật.

Theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Điều 5 của Luật hiện hành đã quy định về các trường hợp được xem xét giảm thuế. Theo đó, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn, bệnh hiểm nghèo... ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì thuộc diện được xem xét, giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại.

Thẩm quyền điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Về đề nghị giao Chính phủ hoặc Quốc hội có thẩm quyền điều chỉnh mức  giảm trừ gia cảnh khi CPI biến động trên 20%: Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc giao  Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là phù hợp với quy định của Luật tổ chức Quốc hội, các luật khác có liên quan và bảo đảm tính linh hoạt trong áp dụng.

Ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về thời điểm điều chỉnh, áp dụng mức  giảm trừ gia cảnh, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin bổ sung quy định về thời điểm áp dụng là: “kỳ tính thuế tiếp theo” và đã thể hiện cụ thể nội dung này tại khoản 4 Điều 1 của Dự thảo luật.

Hiệu lực thi hành, đa số ý kiến nhất trí với quy định về thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là 1-7-2013. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Luật có hiệu lực từ 1-1-2013. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong bối cảnh khai thác nguồn thu còn khó khăn, nếu áp dụng Luật từ 01/01/2013 sẽ giảm thu ngân sách nhà nước thêm khoảng 6.000 tỷ đồng so với phương án áp dụng Luật từ 1-7-2013. Mặt khác, Quốc hội đã thông qua Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Trong trường hợp giảm thu thêm sẽ không có nguồn bù đắp. Vì vậy, thời điểm Luật có hiệu lực thi hành sẽ bắt đầu từ ngày 1-7-2013.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất