Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 20-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội và phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, thấu đáo tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trên cơ sở các vấn đề đã được giải đáp, Bộ trưởng Cao Đức Phát phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để đưa ra các giải pháp căn cơ hơn, góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nêu rõ các vấn đề ngành nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Trong năm 2014-2015, cần tập trung phục hồi đà tăng trưởng GDP trong ngành nông nghiệp; phối hợp với các ngành và địa phương tập trung cho công tác xây dựng nông thôn mới. Đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp một cách toàn diện; có báo cáo Quốc hội tiến độ thực hiện nhiệm vụ này. Chủ tịch Quốc hội nêu một số chính sách cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, như: chính sách đối với ngư dân bám biển ra khơi; quan tâm đời sống nhân dân vùng thủy điện tái định cư; chọn tạo giống có chất lượng tốt; hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch...
* Ngay sau phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Nội dung nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời gồm: Tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước, chính quyền địa phương và địa giới hành chính; công tác quản lý nhà nước về công chức, viên chức; công tác quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng, cải cách hành chính; các hội và tổ chức phi Chính phủ…
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu về vấn đề chất lượng công chức, thi tuyển, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, những kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần đổi mới, cải cách công vụ là rất xác đáng. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung cần phải có các biện pháp đổi mới, đồng bộ để tổ chức thực hiện đổi mới công tác công chức, viên chức. Chính phủ đã ban hành nghị quyết chương trình tổng thể hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trong đó có nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án công vụ công chức từ nay đến năm 2015. Việc đánh giá về cán bộ công chức, viên chức trong thời gian qua đã được phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương.
Về giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định sẽ hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy; mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp; đồng thời bổ sung tiêu chuẩn ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Bên cạnh đó, hoàn thiện, bổ sung các tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức hàng năm và phương pháp đánh giá. Trên cơ sở đó, thực hiện từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu, để tìm ra tiếng nói chung về tình trạng công chức, viên chức như đại biểu nêu.
Về nguyên nhân biên chế tăng hằng năm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết chính sách tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Lý giải nguyên nhân khiến biên chế tăng trong những năm qua, Bộ trưởng cho hay: “Chủ yếu do các đơn vị mới được thành lập, đơn vị cũ được bổ sung chức năng, nhiệm vụ; hoặc những đơn vị đã có nhưng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao được tăng lực lượng". Một số lĩnh vực tăng thời gian qua như: môi trường, đất đai, biển, hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số, kế hoạch hóa gia đình, thị trường, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra lao động, thuế, hải quan, kiểm lâm; quản lý thị trường, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế dự phòng, quản lý dược…
Về những giải pháp về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ trưởng khẳng định, từ nay đến năm 2016, sẽ không tăng thêm biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan tổ chức hành chính và số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Bộ Nội vụ đã được giao chuẩn bị “Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”. Đề án này sẽ trình Bộ Chính trị trong quí IV-2013.
Trả lời câu hỏi bằng giả, học giả, chạy chỉ tiêu biên chế trong công tác cán bộ; có tham nhũng trong đội ngũ công chức làm trong công tác cán bộ không? liệu có thuốc nào chữa không và chữa như thế nào? Bộ trưởng Nội vụ khẳng định những năm gần đây, Bộ Nội vụ rất quan tâm những nội dung này. Dự án luật Công chức và viên chức đã nêu rõ nội dung phòng chống tiêu cực, tham nhũng…
* Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn trực tiếp của 10 lượt đại biểu Quốc hội của 8 tỉnh, thành phố, tập trung vào các nội dung sau: Việc tăng giá cước các mạng viễn thông; An toàn, an ninh thông tin; Quản lý tình trạng bán sóng cho các kênh truyền hình; Các giải pháp phát triển thị trường viễn thông; Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình; chất lượng các cột phát sóng truyền hình; Quản lý quy hoạch mạng lưới báo chí, trong đó có việc quản lý các trang mạng xã hội…
Sáng mai, ngày 21-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Thủy Anh