Sáng 29-10-2012, tại Kỳ họp thứ 4, đồng chí Phan Trung Lý, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội trình bày Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mục đích, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế...
Căn cứ vào mục đích, yêu cầu, Ủy ban đã xác định 9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992: 1) sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. 2) sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. 3) sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. 4) sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. 5) sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. 6) sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 7) sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 8) sửa đổi Hiến pháp để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quan hệ quốc tế; tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vựcvà thế giới. 9) sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
Cụ thể hóa 9 nội dung cơ bản nêu trên, Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, giữ nguyên 18 điều, sửa đổi 95 điều và bổ sung 13 điều mới:
Xác định đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, quan điểm về chủ quyền nhân dân theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua các cơ quan đại biểu, các cơ quan khác của Nhà nước theo tinh thần của Cương lĩnh.
Làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân... Trên cơ sở đó, sắp xếp lại các điều theo các nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân.
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; lồng ghép các điều khoản theo hướng chỉ quy định những vấn đề cơ bản và khái quát hơn.
Làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
|
Các đại biểu cùng trao đổi tại kỳ họp |
Đối với bộ máy nhà nước, dự thảo Hiến pháp làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung 2 thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Về Quốc hội có sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp và mối quan hệ giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Về Chủ tịch nước làm rõ hơn một số thẩm quyền của Chủ tịch nước trong một số lĩnh vực, sắp xếp lại nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước như trong mối quan hệ với lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong hoạt động đối nội, đối ngoại và trong việc thống lĩnh lực lưỡng vũ trang. Về Chính phủ dự thảo đã sắp xếp, cơ cấu lại để phù hợp với vị trí, chức năng của Chính phủ. Đồng thời, làm rõ hơn mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ. Nhằm tăng cường trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Dự thảo quy định các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ. Về Tòa án nhân dân, dự thảo sửa đổi Hiến pháp bổ sung quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp; sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức Tòa án cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp theo hướng không xác định cấp Tòa án cụ thể trong Hiến pháp mà để luật định. Về Viện kiểm sát nhân dân, dự thảo sửa đổi Hiến pháp làm rõ hơn nguyên tắc hoạt động của Kiểm sát viên khi thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức Viện kiểm sát cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Về chính quyền địa phương, theo dự thảo, tên Chương IX được đổi từ “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương” và quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, còn những vấn đề về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do luật định. Điều này nhằm thực hiện các quan điểm của Đảng về đổi mới chính quyền địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta chưa tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước, dự thảo Hiến pháp bổ sung 2 thiết chế hiến định độc lập gồm Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước…Do 2 cơ quan này là những thiết chế hiến định mới, Ủy ban đề nghị chỉ quy định một cách tổng quát, còn các vấn đề cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này do luật định…
Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ nội dung sửa đổi. Cũng tại phiên họp sáng nay, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và ở địa phương. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31 -3-2013. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013); sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2013).
Thu Thuỷ