Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày 13/1, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hà Thị Khiết, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân vận TƯ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tổng kết đã nêu rõ 3 kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện QCDC. Đó là: Đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hành dân chủ XHCN trong cấp ủy, cơ quan nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Dân chủ trực tiếp được phát huy, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được thể hiện toàn diện, cụ thể và có hiệu quả, phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, mở rộng các hình thức tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

QCDC đã thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở. Thực hiện QCDC, nhân dân được bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Dân góp công, góp của xây dựng kết cấu hạ tầng làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn. Cán bộ công chức có điều kiện để bàn bạc, hiến kế, tham gia hoạch định cơ chế, chính sách.

QCDC được thực hiện gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các chính sách an sinh xã hội. Nhiều nơi đã thực hiện công khai trong sử dụng ngân sách, các công trình xây dựng cơ bản, dự án kinh tế… Các ngành, các cấp đã quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết kịp thời các vụ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thông báo kết luận sau thanh tra để dân giám sát.

QCDC góp phần củng cố, nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Với phương châm “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương nhằm mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân góp ý tham gia xây dựng Đảng. Nhiều văn bản, quy chế quy định về thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; thực hiện công khai, dân chủ trong công tác cán bộ; giới thiệu đảng viên là cán bộ, viên chức đang công tác về sinh hoạt đảng nơi cư trú. Các cơ quan nhà nước đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính, lịch tiếp dân, bố trí cán bộ lãnh đạo tiếp dân.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhận thức về dân chủ, trách nhiệm thực hiện QCDC của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức còn hạn chế. Một số cán bộ lợi dụng dân chủ xâm hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân; một số cá nhân lợi dụng dân chủ gây rối, vi phạm pháp luật vẫn chưa được xử lý nghiêm. Nhiều vụ việc giải quyết thiếu khách quan, công khai, gây bức xúc làm nảy sinh điểm nóng.

Có cơ quan, đơn vị vẫn chưa xây dựng được quy chế thực hiện dân chủ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng, hướng dẫn quy chế “mẫu”, thiếu kiểm tra, đôn đốc, bệnh hình thức trong thực hiện vẫn tồn tại.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế, 6 nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện QCDC trong thời gian tới đã được đề ra với mục đích phấn đấu đến hết năm 2010, 100% các loại hình cơ sở là cơ quan hành chính, cấp xã, công ty, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đều ban hành quy chế và thực hiện QCDC, trong đó có ít nhất 70% thực hiện tốt. Hơn 50% thôn, bản, tổ dân phố thực hiện tốt quy ước, hương ước.

Sau khi nghe 18 ý kiến thảo luận, báo cáo kinh nghiệm thực hiện QCDC của các ngành, địa phương trong 10 năm qua, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu kết luận (ảnh). Đồng chí nhấn mạnh, đây là Chỉ thị rất quan trọng của Bộ Chính trị, hợp lòng dân, được các cấp, các ngành triển khai thực hiện khá nghiêm túc, có hiệu quả ở phần lớn các loại hình cơ sở, các lĩnh vực hoạt động xã hội. Việc ban hành và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị là bước tiến mới về mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những hạn chế trong thực hiện QCDC thời gian qua cũng được đồng chí Trương Tấn Sang chỉ rõ. Đó là kết quả thực hiện chưa đều khắp ở các loại hình cơ sở, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và cơ sở dịch vụ ngoài công lập; một số nơi triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; một số chính sách, chế độ trên một số lĩnh vực chưa phù hợp, lại thiếu công khai, minh bạch, chậm được sửa đổi, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân.

Đồng chí Trương Tấn Sang đã đặt ra 5 vấn đề trong thực hiện QCDC thời gian tới.
Thứ nhất, cần
quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại cơ sở, xem đây là khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ XHCN, phát huy dân chủ đi liền với nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Thường xuyên gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với quy chế hoạt động của cán bộ, công chức, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là xây dựng và nêu gương tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên. Coi trọng tổng kết thực tiễn, không ngừng bổ sung cơ chế, chính sách nâng cao việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản để thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, các lĩnh vực mới chưa có quy chế; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi trong mọi hoạt động hợp pháp của nhân dân. Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước các cấp cho dân, cho công nhân viên chức biết để kiểm tra, giám sát; hoàn thiện dần cơ chế để cán bộ công nhân viên chức, nhân dân tham gia ý kiến trong hoạch định, chủ trương, chính sách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; coi trọng hơn nữa các hình thức tự quản ở cơ sở; duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân định kỳ ở các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở; mở rộng dân chủ đi liền giữ nghiêm trật tự, kỷ cương, phép nước, nghiêm khắc xử lý việc lợi dụng dân chủ gây rối trật tự xã hội, nhằm làm cho xã hội đoàn kết, dân chủ, ổn định, phát triển.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, người đứng đầu các cấp; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhằm phát huy thành quả đã đạt được, tích cực khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Thứ tư, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của các cấp, các ngành, đơn vị. Coi trọng việc bố trí những cán bộ có tâm huyết, có uy tín và năng lực tham gia Ban Chỉ đạo. Tạo điều kiện thuận lợi để Ban Chỉ đạo các cấp hoạt động có hiệu quả.

Thứ năm, cần ban hành bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục đưa nội dung Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị vào cuộc sống mạnh mẽ hơn trong thời gian tới ở tất cả các loại hình cơ sở và trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

(Nguồn: Báo Điện tử ĐCS)

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất