Thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến phát biểu tại hội trường.
Kiềm chế lạm phát

Về kinh tế - xã hội năm 2011, các đại biểu đều cho rằng trước những khó khăn kinh tế thế giới suy giảm, phục hồi chậm nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2011 tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khá chiếm 5,89%, thu ngân sách tăng cao, vượt 18,4%, bội chi ngân sách giảm xuống còn 4,4% GDP, xuất khẩu vượt kế hoạch và đạt 96,9 tỷ đô la, nhập siêu giảm, sản xuất nông nghiệp tăng 4%, đặc biệt là sản lượng lúa đạt 42,4 triệu tấn, tăng 2,3 triệu tấn so với năm 2010 góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tăng xuất khẩu, hộ nghèo giảm 2,4%, đó là sự cố gắng lớn. Các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá đã nêu trong Báo cáo, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, kết quả vẫn có 15/22 chỉ tiêu đạt và vượt theo Nghị quyết của Quốc hội. Điều đó khẳng định việc điều hành của Chính phủ đã bám sát thực tiễn, đặc biệt là hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết 11. Nghị quyết đã có tác động mạnh đến nền kinh tế, làm cho giá cả hàng hóa tăng chậm lại, lạm phát được kiềm chế dưới 10%. Báo cáo cho thấy thu chi ngân sách đạt kết quả khá, các giải pháp về giảm thiểu tai nạn giao thông bước đầu phát huy hiệu quả, chính sách tiền tệ tín dụng được điều hành chặt chẽ và thận trọng hơn, an sinh xã hội được đảm bảo.

Cơ chế chưa rõ ràng

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn - Hòa Bình nhấn mạnh: Cơ chế chưa rõ ràng, khiến cho nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, có thương hiệu mạnh nay cũng trở thành làm ăn kém hiệu quả, dẫn đến ngừng hoạt động hoặc phá sản, nhiều người mất việc làm. Nhiều cử tri cho rằng giải pháp hỗ trợ 29.000 tỷ đồng và việc lùi thời hạn nộp đối với một số loại thuế, phí và các khoản thu nộp ngân sách của doanh nghiệp là chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương cho rằng: giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng thì tôi và nhiều người, nhất là công nhân, viên chức sống bằng lương sẽ quan tâm nhiều hơn đến kiềm chế lạm phát. Bởi vì nếu kiềm chế được lạm phát tức là Chính phủ đã giúp cho đời sống của đại đa số người dân lao động "dễ thở" hơn, giá cả hàng hóa, dịch vụ bình ổn hơn. Tình hình hiện nay cả người gửi tiết kiệm và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng. Hiện nay thuốc đặc trị cho ngân hàng chính là sự minh bạch và công tâm. Chỉ có minh bạch và công tâm mới giúp cho ngân hàng thực sự chuyển đổi cơ cấu thành công mà không bị chồng chéo chi phối của các nhóm lợi ích liên quan.


Đại biểu Lê Phước Thanh - Quảng Nam đề cập đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại ngày càng tăng, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực đất đai, do cơ chế chính sách của chúng ta bất ổn, có những trường hợp xảy ra cách đây 4, 5 năm bây giờ tiếp tục khiếu kiện, khiếu nại và tình trạng khiếu nại vượt cấp vẫn tiếp tục xảy ra...

Xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương đề cập đến những vụ việc làm trăn trở như Vinashin chưa xử lý xong đã xuất hiện Vinaline, hiện tượng nhiều xe máy cháy lạ chưa tìm ra nguyên nhân thì bệnh lạ xuất hiện, bệnh cứ lạ mãi đến nay vẫn không chịu quen. Các loại phí vừa đề ra chưa kịp thu đã đưa ra lộ phí khác, làm cho cả xã hội có ý kiến. Ở phía Nam trước đây có nhà báo bị vợ đốt chết, giờ ở miền Bắc lại có những nhà báo bị hành hung. Có nhiều vụ việc trong đó chính là hậu quả từ năng lực, đạo đức còn yếu kém của cán bộ, từ sự hoạt động thiếu hiệu quả của một bộ phận trong bộ máy nhà nước.

Đại biểu Ya Duck - Lâm Đồng nêu: chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì nhiều, nhưng thiếu đồng bộ, chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ, có chính sách bây giờ đã hết hạn thực hiện, nhưng chậm có chính sách mới thay thế. Có chính sách xã hội chủ yếu quan tâm đến các hộ nghèo để thoát nghèo, nhưng ít khi quan tâm đến hộ cận nghèo.

Đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo - Hải Dương nhấn mạnh: trẻ em đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lực, có thể kể đến những vấn đề suy dinh dưỡng, béo phì, các dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ xâm hại tình dục, bạo hành gia đình, các tai nạn thương tích, bạo lực học đường và bị bóc lột sức lao động với con số thống kê ngày càng tăng và có tính chất phức tạp nghiêm trọng.

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng

Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp này đã nhận định: tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực gây bức xúc trong xã hội là thách thức lớn đối với sự quản lý của Nhà nước. Tham nhũng có mặt khắp nơi với nhiều  vỏ bọc khác nhau đang thách đố kỷ cương phép nước. Các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng đó là lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Đại biểu Lê Như Tiến - Quảng Trị khẳng định phải có cơ chế phòng ngừa tham nhũng, ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực vì người có quyền thường dễ lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền, các vụ PMU 18, Vinashin, Vinalines là những bài học đắt giá, biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi phức tạp, chúng ta càng cần phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, chuyên nghiệp, phải có những bao công quả cảm công minh, chính đại, trong sáng, vô tư tuyên chiến với tham nhũng. Đại biểu nhất trí với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phòng chống tham nhũng lần này Trung ương quyết tâm cao, biện pháp đủ rồi, cắt thuốc trúng rồi song liệu có chịu uống thuốc không và có uống đủ liều không và cũng đồng ý với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang "chức vụ càng cao thì sự chuyển biến về nhận thức và hành động càng phải cao, chức vụ càng cao thì sự gương mẫu càng phải cao".

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất