Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIII, sáng 4-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ (ngày 28-5) về Đề án do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, đa số ý kiến tán thành chủ trương, sự cần thiết, phạm vi và nhiều nội dung được nêu trong Đề án và dự thảo Nghị quyết về vấn đề này.
Tại phiên thảo luận sáng 4-6 tại hội trường, về cơ bản các đại biểu tán thành về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, coi đó là cơ sở để Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Các đại biểu đã thảo luận về hoạt động lập pháp, về hoạt động giám sát, về việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng làm luật thời gian qua tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tình trạng dự án luật cứ đưa ra để đóng góp ý kiến rồi tính tiếp vẫn diễn ra thường xuyên; việc đánh giá tác động của dự án luật cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Liên quan đến đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu cho rằng, việc tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri, bảo đảm để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, nơi công tác là cần thiết. Một số ý kiến đề nghị nên đẩy mạnh việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển một bước cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn. Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật như: xuất bản tác phẩm không thông qua nhà xuất bản; nạn in lậu, in trái phép, vi phạm quyền tác giả diễn ra khá phổ biến; vẫn còn hiện tượng in ấn, sao chụp trái phép và phát tán các tài liệu sai trái, bất hợp pháp…
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này bao gồm 5 chương, với 50 điều quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản.
Cùng với việc điều chỉnh các lĩnh vực xuất bản, in xuất bản phẩm và phát hành xuất bản phẩm theo luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cơ sở in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (báo chí, tem chống giả, giấy tờ phục vụ quản lý nhà nước, bao bì, nhãn hàng…) nhằm mục đích ngăn chặn việc in lậu gây rối loạn thị trường hoặc in tài liệu tuyên truyền chống đối Nhà nước.
Ngoài ra, trước xu thế phát triển nhanh của công nghệ thông tin ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất bản, dự luật đã sửa đổi các quy định về xuất bản trên mạng internet cho cụ thể, đầy đủ và phù hợp hơn với thực tiễn; quy định một điều (Điều 15) về nhà xuất bản điện tử...
T.H