Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khoá XIII, sáng 29-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giám định tư pháp.
Luật Giám định tư pháp quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.
Đây là dự án Luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày, một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giám định tư pháp về phạm vi điều chỉnh; quyền của đương sự được trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp; tổ chức giám định tư pháp công lập; tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập; giám định lại và giám định Hội đồng.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Giám định tư pháp và cơ bản nhất trí với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung chủ yếu được các đại biểu quan tâm góp ý kiến trong phiên họp là về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh.
Quy định này khi được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ hai còn hai loại ý kiến khác nhau. Một là, tập trung hoạt động giám định pháp y thuộc ngành y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp. Hai là, giữ nguyên như quy định hiện hành.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là nội dung đổi mới căn bản nhất trong dự án Luật Giám định tư pháp mà Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, việc đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh cần cân nhắc điều kiện thực tế cũng như đánh giá những ưu, nhược điểm của từng phương án.
Buồi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
T.H