Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, buổi sáng 19-6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Hợp tác (sửa đổi).
Luật Hợp tác xã sau 8 năm thực hiện với những hạn chế trong việc chưa làm rõ được bản chất hợp tác xã, vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế nhằm định hướng khuyến khích phát triển hợp tác xã kiểu mới, phát huy vai trò của hợp tác xã để cùng với các thành phần kinh tế khác đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Các đại biểu tập trung thảo luận về định nghĩa bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại Điều 4 của dự thảo luật; về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, quy định tại Điều 7; về quy định quyền của hợp tác xã được góp vốn, được mua cổ phần, được thành lập công ty và quyền cung cấp sản phẩm dịch vụ ra thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên, quy định tại Điều 9; về quy định nghĩa vụ thành viên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quy định tại Điều 16; về quy định mức vốn góp tối đa của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quy định tại Điều 18; về quy định phân phối thu nhập của hợp tác xã, quy định tại Điều 49; về tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quy định tại Điều 51 và 52; tổ chức liên minh hợp tác xã, quy định tại Điều 60 và quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quy định tại Chương VIII.
Những vấn đề chung của dự luật các đại biểu thống nhất về sự cần thiết sau khi phân tích đánh giá thực trạng cũng như sự cần thiết phải thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước và hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế hợp tác xã. Nhất trí về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự luật, những nội dung cụ thể mà đại biểu quan tâm, về định nghĩa và bản chất của hợp tác xã được rất nhiều ý kiến thảo luận về vấn đề này. Cơ bản thống nhất với khái niệm, với định nghĩa và làm rõ bản chất cả hợp tác xã, tạo sự thống nhất về nhận thức của hợp tác xã là kiểu mới chứ không phải những thành kiến của hợp tác xã kiểu cũ như trước đây. Cho đây là một tổ chức kinh tế tập thể tự chủ bình đẳng, tự nguyện hợp tác với nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu chung cũng như tối đa hóa lợi ích của các thành viên.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, hầu hết ý kiến nhất trí các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện chế định luật sư, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề: về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư, quy định tại Điều 13 của dự thảo luật và vấn đề tập sự hành nghề luật sư, quy định tại Điều 14, Điều 15 của dự thảo luật; về quy định cho phép viên chức hành nghề luật sư, quy định tại Khoản 4, Điều 17, đây là vấn đề đang còn nhiều ý kiến khác nhau trong phiên thảo luận tổ; về quyền, nghĩa vụ của luật sư, quy định tại Điều 21 của dự thảo luật; về quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư và quy định mở rộng đối tượng được quyền yêu cầu luật sư bào chữa, quy định tại Điều 27 của dự thảo luật; về nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư Việt Nam và đoàn luật sư, quy định tại các Điều 60, Điều 61 và Điều 65; về điều kiện hành nghề, phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam quy định các Điều 68, 70, 74 và 76.
T.H